Wednesday, October 8, 2008

Những giọt nước mắt… bíêt cười!

Ngày Tù Nhân Chính Trị Việt Nam 2008: Những giọt nước mắt… bíêt cười!
Tuesday, October 07, 2008




Ông Nguyễn Hữu Nhân (phải) ôm chầm lấy người chiến hữu năm xưa, ông Lê Văn Quỳnh.



Cựu Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai được đại gia đình cựu tù nhân chính trị nồng nhiệt chào đón. Ông là một trong 4 người tù cuối cùng rời trại.



Những chiếc bong bóng đỏ vàng cùng lá cờ VNCH cùng lúc được mọi người thả lên trời trong ngày hội ngộ đầu tiên, như những cánh chim tự do gởi về Việt Nam.


Bài & hình:Vũ Ðình Trọng/Người Việt

Thứ Năm, 2 Tháng Mười, 2008


Chuyến máy bay của hãng hàng không American Airlines từ Santa Ana xuống phi trường Dallas-Fort Worth (DFW) trễ hơn dự định, nhưng nhà văn Huy Phương vẫn chờ để đưa tôi về khách sạn Hampton Inn Richardson. Chuyến đi viết tin về Ngày Tù Nhân Chính Trị Việt Nam 2008 bước đầu cũng đã khởi sự suôn sẻ. Trên xe, ngoài anh Huy Phương còn có thêm một khách mời của Ban Tổ Chức, đó là nhạc sĩ Phan Văn Hưng đến từ Úc Châu, và một người bạn mới, anh Nguyên Khôi, một cựu tù và cũng là học trò cũ của nhà văn Huy Phương, người tình nguyện làm “tài xế” cho chúng tôi trong suốt thời gian ở DFW. Chúng tôi về khách sạn với một tâm trạng phấn chấn. Tối hôm đó, nhà báo Thanh Huy (Việt Báo) nhập chung nhóm, thế là năm anh em chúng tôi cùng đi chung trong suốt 4 ngày công tác.

Trên 100 phòng tại khách sạn không còn một chỗ trống, và tại sảnh tiếp tân tràn ngập cựu tù nhân chính trị và gia đình. Họ đã biến khách sạn thành ngôi nhà chung. Tiếng chào hỏi, bắt tay cả những người không quen “Anh ở trại nào?”

“Tôi ở Tiên Lãnh. Còn anh?”

“Tôi ở Hoàng Liên Sơn”...

“Z30D phải không?”

“Phải rồi.”

Thế là họ ôm chầm lấy nhau. Trên những khuôn mặt già nua vì tuổi tác, hình như những vết nhăn cũng bớt hằn sâu nhường chỗ cho niềm hạnh phúc ngọt ngào.

Trong sự huyên náo vui mừng đó, tôi nhận ra hai người phụ nữ ngồi lặng yên với nụ cười hiền hậu. Một vài người nhận ra và xin được chụp hình chung, hai bà vui vẻ nhận lời, cũng với nụ cười hiền hậu đó. Sau này tôi mới biết, đó là hai quả phụ của hai cố Chuẩn Tướng Lê Trung Trực và Phạm Ngọc Sang.

Ông Phan Tấn Ngưu, một trong 20 người tù cuối cùng cho rằng công việc của bà Khúc Minh Thơ là một sự khởi đầu để người Mỹ phản tỉnh, nghĩ lại số phận những người lính QL.VNCH. “Tôi đi dự với tư cách cá nhân và lời hứa với bà Khúc Minh Thơ, ngoài ra, tôi cũng rất muốn gặp lại bạn bè khắp nơi một lần.”

Tất cả, như báo hiệu cho ngày gặp mặt chính thức sẽ tràn ngập tiếng cười, và chắc chắn, sẽ có những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt... biết cười!

Buổi tối, tôi và nhà văn Huy Phương đến Saigon Mall gặp Ban Tổ Chức, anh bạn Phan Văn Hưng sau 24 giờ bay đã mệt nhoài nên cần nghỉ lấy lại sức. Bữa ăn tối được anh chị Nguyễn Văn Tường và Jennifer Nguyễn tiếp đãi. Khoảng 20 người có mặt trong bữa ăn tối này, gồm bà Khúc Minh Thơ, nghệ sĩ Kiều Chinh, ông Lê Văn Lộc (Bảo Tàng Thuyền Nhân & Việt Nam Cộng Hòa), nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh cùng những người khác mà tôi không biết tên. Một câu chuyện có thực về nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh hồi còn trong tù được ông Lê Văn Lộc kể cũng như bao nhiêu chuyện của những người tù khác mà tôi đã được nghe. Ở đó, ta bắt gặp một tình cảm thiêng liêng, cao đẹp giữa vợ và chồng, giữa cha và con trong cái cay đắng, tủi hận. Ông kể:

“Bà vợ của ông Hạnh trong lần lên thăm chồng có đem theo một con gà (không biết là luộc hay quay). Mở ra thì ông thấy một tờ giấy của người con viết cho ông. Nó nói là con gà hơi khô vì mẹ đã lấy mỡ trộn cơm cho con ăn, và chưa bao giờ con được ăn một bát cơm trộn mỡ gà ngon đến như vậy. Ông ấy nói là ông không làm sao ăn được con gà đó sau khi đọc thư đứa con. Ông bàn cắt con gà ra làm 4 phần bán cho 4 anh trong trại. Bốn người mua gà phải viết cho ông bốn tờ giấy nợ, rồi ông gởi bốn tờ giấy nợ đó cho con ông ấy nói với nó là chúng mày lấy tiền về mua gà có mỡ mà ăn. Một trong bốn người đó là họa sĩ Tạ Tỵ, và Tạ Tỵ có viết truyện này trong cuốn 'Ðáy địa ngục'. Tạ Tỵ còn viết là cha này (Nguyễn Ngọc Hạnh) trong tù cái gì cũng bán, một phần tiền dùng để mua đồ ăn, một phần tiền tiếp tế về cho vợ. Có lần ông Hạnh đang mặc cái quần (chắc là cũng khá mới), có một thằng bên ngoài hàng rào cầm hộp sữa tung lên, tung lên, ông hiểu ý bèn cởi quần liệng ra ngoài, thằng kia liệng hộp sữa vào...”

Cả phòng rộ lên tiếng cười. Hình như khi thoát khỏi “địa ngục” người ta nhìn lại quá khứ với cặp mắt khác, nhưng trong câu chuyện vẫn còn đó nỗi đau, trong tiếng cười.



Sáng Thứ Sáu, 3 Tháng Mười: Ngày “Trở Về”


Buổi gặp gỡ đầu tiên được tổ chức tại công viên White Rock Lake. Ðây là một công viên rộng lớn và khá đẹp tại Dallas với một hồ nước rộng mênh mông. Phòng hội ngộ nằm gần hồ nước ấy, tuy khá rộng nhưng cũng chỉ chứa được một phần trong số khoảng 1,000 cựu tù nhân chính trị và gia đình về dự.

Hội Quảng Ðà Dallas tài trợ và tổ chức thật chu đáo với tinh thần “Quần chúng nghĩ về người Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam”, và hội xem như là một bổn phận. “Xin tỏ lòng biết ơn những thế hệ ngàn năm qua đã hy sinh cho đất nước, cho chúng tôi biết mình còn có một cội nguồn. Xin biết ơn thế hệ các anh chị đã chiến đấu cho lý tưởng tự do và đã chịu nhiều đau khổ tù đày. Xin biết ơn thế hệ hôm nay đang tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho quê nhà. Bữa cơm trưa Hội Quảng Ðà chiêu đãi, xin các anh chị xem như đó là tấm lòng của người hậu phương với người nơi tiền tuyến.” Bác Sĩ Nguyễn Văn Hào, thay mặt Hội Quảng Ðà chia sẻ suy nghĩ chân thật của mình và của hội trong bài phát biểu ngắn gọn. Tôi tin rằng mọi người có mặt cũng hiểu được tình cảm mà hội Quảng Ðà dành cho ngày hội ngộ của những cựu tù. Không ai quên được những người đã một thời cầm súng bảo vệ sự yên bình của hậu phương.

Bà Khúc Minh Thơ trở thành “ngôi sao” ngay trong ngày gặp mặt đầu tiên. Niềm hạnh phúc và nỗi ước ao cuối đời của bà đã trở thành sự thật sau bao nhiêu khó nhọc.

“Tôi chỉ ao ước được gặp anh em một lần.” Tôi nhớ trong lần gặp bà tại California, bà đã nói với tôi như thế. Nhưng hôm đó, tôi không nghĩ là chỉ có mình bà ước ao như vậy, nhiều người cựu tù và vợ con họ cũng mong được gặp bà một lần để nói một lời cảm ơn, để chụp chung với bà một tấm hình lưu niệm. Và bà đã mệt nhoài người vì hết nhóm này đến nhóm khác vây quanh bà chụp hình, nhưng trong ánh mắt bà, tôi cảm nhận được một niềm vui vô bờ. “Ngay trong lúc này tôi vẫn buồn vì những chuyện 'đánh phá' bên ngoài, nhưng cũng rất vui sống trong không khí đầy ắp tình thương này. Tôi thấm thía hơn về tình người.” Bà nói thật nhỏ với tôi như thế như sợ anh em mất vui khi biết bà buồn.

Hiền tài Nguyễn Thanh Liêm, 7 năm tù, trả lời nhà văn Huy Phương (đài SBTN) cho biết:

“Tôi rất xúc động vì ngày hội ngộ quá thành công dù có người chống đối. Tôi không đồng ý với họ vì nếu không có người thúc đẩy chương trình định cư cho cựu tù chúng tôi thì chương trình H.O cũng sẽ không thành công vượt sự mong đợi của chúng ta.”

Bà Trần, vợ một cựu tù chia sẻ:

“Hồi tưởng lại ba mươi mấy năm trước, tôi cứ luôn hỏi con tôi rằng nếu gia đình mình còn ở Việt Nam thì không biết tương lai sẽ như thế nào.”

Ông Hoàng Thịnh (Louisiana):

“Hôm nay là ngày tôi chờ đợi để gặp lại anh em mình. Xin cám ơn Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. Chúng tôi không bao giờ quên ơn.”

Chút tình dành cho nhau giữa những mái đầu đã bạc chỉ có thế, và chỉ cần một lời cảm ơn, một vòng tay rộng mở cũng đủ làm ấm lòng người.

Ấm lòng nhất là những giọt nước mắt. Tôi đã thấy những gương mặt rạng rỡ, những tiếng cười sảng khoái, những vòng tay siết chặt tình bạn tù, tình huynh đệ chi binh, và ở mỗi cuộc gặp gỡ đó, nước mắt họ cứ tự trào ra lăn dài trên má. Những giọt nước mắt cũng biết cười trong ngày hội ngộ!

Một người lên sân khấu nhờ Ban Tổ Chức nhắn tin, rồi bạn bè tìm đến, rồi ôm chầm lấy nhau reo vui như những đứa trẻ. Tuổi tác không còn là gánh nặng trên vai, họ như được sống lại những ngày tù tội, chia nhau từng miếng khoai hà.

Một trong những người cựu tù hạnh phúc ngày hôm ấy tôi được gặp là ông Vi Tuấn (phóng viên đài truyền hình KSCI.LA18). Trong chuyến công tác này, thật bất ngờ khi ông gặp lại thầy Hồ Xuân Diện dạy lớp Ðệ Thất (lớp 6 bây giờ) trường Bán Công Ðông Hà, Quảng Trị, sau đúng 50 năm. Ông đã khóc thực sự khi ôm chầm lấy người thầy cũ. Thầy Diện cho biết rất vui gặp lại người quen cũ, nhất là không ngờ gặp lại đứa học trò năm xưa mà ông vẫn nhớ cả tên họ: Trương Hữu Tuấn. Ông cũng gặp lại hai người bạn tù Tiên Lãnh là ông Nguyễn Thanh Tùng và ông Tôn Thất Hằng.

Câu chuyện tù mà ông Hằng (hiện ở Oregon) kể cho tôi nghe có một dấu lặng giữa chừng của một bài hát. Dấu lặng oan nghiệt của một người tù.

Ông bị hai lần cùm chân biệt giam. Lần thứ nhất khi dám diễn kịch “chọc quê chế độ” Ông kể rằng trong một lần diễn kịch, ông nói cái khóa Sol trong vở nhạc là cái “khóa”, còn dấu thăng (#) là “cái hàng rào”. Bị nhốt trong cái hàng rào có khóa có nghĩa là ở tù! Thế là bị cùm biệt giam 3 tháng.

Lần bị cùm lần thứ hai là do ông cùng đồng đội tổ chức lật đổ trại tù, giải thoát cho anh em. Việc không thành, những người tổ chức bị bắt, ông bị cùm 18 tháng, còn người đồng đội Trần Quang Trân bị xử tử hình.

Nỗi buồn chợt ập về làm chúng tôi nao lòng. Vết thương xưa đã lành, nhưng vết sẹo vẫn còn đó, làm sao quên...!

Một ngọn gió mát thổi ngang qua công viên. Nhìn lên bầu trời xanh thẳm, tôi chợt mong những người tù đã khuất cũng về đây sum họp cùng anh em, bạn bè.

No comments: