Thursday, October 16, 2008

TRÙNG PHÙNG HY HỮU


NHỮNG CUỘC TRÙNG PHÙNG HY HỮU
TRONG NGÀY TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VN TẠI DALLAS

• Triều Giang

Ngoài 3 khách sạn Hampton Inn, Holiday Inn tai Richardson, và Comfort Suites tại Plano, là những nơi có đầy ắp những khách Việt phương xa, từ chiều thứ năm, ngày 2 tháng 10, một số đông đảo các gia đình Việt Nam thuộc các thành phố: Richardson, Plano, Arlington, Garland, Port Arthur…, những thành phố lân cận của Dallas đã đón tiếp những người bạn, những thân nhân từ phương xa đến. Họ tụ tập tại các tiệm ăn và khu phố người Việt. Những người khách với những mái tóc hoa râm và gương mặt khắc khổ mang nhiều suy tư. Họ đi thành từng nhóm, hoặc đi với gia đình. Họ là những cựu tù nhân chính trị Việt Nam từ khắp tiểu bang và một số quốc gia như Canada, Úc, đã tề tựu về đây để tham dự Ngày Tù Nhân Chính Trị Việt Nam do hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam với Bà Khúc Minh Thơ đứng ra tổ chức trong 3 ngày từ mùng 3 tới 5 tháng 10 vừa qua, tại Dallas, Texas.

“ Anh Mạnh đã chết trong trại tù K2 Tân Lập”

Ngày đầu tiên cuộc họp mặt được đặt tên là ngày “Trở về” diễn ra tại White Rock Lake Park, một công viên thơ mông nằm không xa trung tâm thành phố Dallas với chiếc hồ nhân tạo rộng mênh mông có những gợn sóng lăn tăn bời cơn giông nhẹ. Bên cạnh hồ là những thảm cỏ xanh mát mắt dù muà thu đã được báo hiệu bởi những chiếc lá vàng nhạt trên những tàng cây cao vút. Ở đây, cây cỏ, sông nước đã chứng kiến những cảnh hội ngộ để đời cuả hàng ngàn cựu tù nhân chính trị Việt Nam, những người đã phải gánh chịu đau thương, thiệt thòi nhất trong khúc quanh lịch sử vừa qua của đất nước VN. Họ đã ôm lấy nhau mà khóc. Họ đã không dằn được tiếng reo vui hay những lời nói nghẹn ngào vì xúc động khi nhận ra nhau. Họ tay trong tay tản bộ ven hồ, hoặc cùng nhau ngồi trên thảm cỏ để ôn lại những chuyện ngày xưa, những ngày tháng nhục nhằn trong lao tù Cộng sản, Họ nhắc đến những người bạn đã phải bỏ xác trong tù trong những ngày đen tối đó, hoặc những người đã ra đi vĩnh viễn tại quê nhà hay trên mảnh đất tự do. Họ nói với nhau về đời sống hiện tại, về con cái, và nhất là về những ưu tư về quê hương, đất nước…

“ Tôi đến hơi trễ vì bị lạc đường. Khi tôi đến thi đã hơn 10 giờ. Ban tổ chức đã có những tấm bảng ghi rõ các trại tù cắm dài dài trên thảm cỏ, để anh em có thể tìm đến và gặp nhau. Tôi dến ôm bảng trại Yên Bái và nhờ câu em ra đứng ở bảng trại Tân Lập, Vĩnh Phú. nhưng không gặp ai. Có lẽ anh em đến trước và đã gặp nhau. Tôi chạy vào hội trường thì đã thấy trên 1,000 người đứng ngồi chật nứt. Tôi đang ngơ ngác thì nghe ông Nguyễn Hân, Chủ tịch Hội HO Dallas đang kêu gọi trên loa phóng thanh: “Chi Hằng, vợ anh Nguyễn Lương Mạnh xin được gặp các anh từng ở trại K2 Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú, ở phiá sau sân khấu.” Tôi chen vào trong khối người dầy đặc để lên phía sân khấu. Lúc đó anh Trần Ân, bạn tù của tôi tại K2, Tân Lập đến từ Tennessee cũng vừa tới. Chúng tôi gặp nhau nghẹn ngào.”

Đó là lời kể của ông Sơn Lê đến từ Amarillo, Texas về cuộc trùng phùng giữa ông, ông Ân Trần, và Bà Hằng vợ của ông Nguyễn Lương Mạnh, bạn tù từng sống với ông tại trại K2 Tân Lập, tỉnh Vĩng Phú. Với gương mặt khắc khổ nhưng đôi mắt còn tinh anh có pha lẫn đôi chút tếu ngạo của một người vui tánh, Ông Sơn kể tiếp:

“ Phút chốc hình ảnh của trại tù K2 Tân Lập hiện ra trong đầu tôi, sống động như ngay trước mắt; những người tù gầy ốm khẳng khiu như những cái xác không hồn, như đoàn quân ma đang cắm cúi trưóc những luống rau xanh. Chúng tôi nuôi cá và trồng rau. Cứ hơn một tháng là chúng tôi sản xuất 5,6 tấn rau và hàng tấn cá nhưng không bao giờ được ăn cá, ăn rau. Khẩu phần của chúng tôi hàng ngày là 4 mẩu khoai mì và hai muỗng nước muối. Một tháng chúng tôi được một lần ăn “cơm tươi”. “ Cơm tươi” cũng chỉ là lưng bát cơm hẩm và 2 muỗng nước muối. Chúng tôi lúc nào cũng đói! Đói vàng con mắt! Đói triền miên. Lần đó anh Trần văn Thượng, sĩ quan cảnh sát đi lao động bắt được một con cóc, anh giấu trong áo và buổi tối hôm đó anh đốt lửa nướng cóc và ăn. Anh trúng độc, ói mửa, người phù lên. Anh thở hổn hển cho đến lúc chết. Bạn tù chúng tôi chết rất nhiều, chết rất dễ và chết tự nhiên như anh Trung tá Điền buổi tối đi ngủ cùng với tôi, sáng kêu anh không dậy, rờ vào người thì chân tay anh lạnh ngắt và đã chết từ bao giờ!

Nhưng cái chết của anh Nguyễn Lương Mạnh là gây xúc động cho thật nhiều anh em, nhất là đối với tôi. Xẩm tối hôm đó, vào những ngày cuối năm năm 1980, nước sông Hồng lên thật cao và chảy xiết cuốn trôi bè cá chúng tôi nuôi. Tât cả tù nhân được kêu ra để giữ bè. Người thì dồn bao cát, kẻ thì chuyển bao cát để chân nước. Anh Nguyễn Lương Mạnh người cao lớn, đẹp như tài tử xinê và có sức nên anh xung phong chuyển bao cát chận nước. Ngặt một điều nước sông chảy quá mạnh, anh bị xụp chân và nước cuốn phăng đi. Tôi cố kéo anh lại nhưng không đủ sức. Hinh ảnh cuối cùng của anh trong mắt tôi mà mấy chục năm rồi tôi không quên được, đó là nhìn thấy anh trồi xụp trong giòng nước. Tôi dân miền tây, bơi lội như rái cá, có sợ hãi chi? Tôi trườn mình lên để tính nhảy vào giòng nước kéo anh ra. Nhưng sức quá yếu không thể lên nổi ụ cát cách anh có chừng vài thước. Bọn cán bộ sợ chết thêm người nên kéo chúng tôi về. Đêm đó các anh em không ngủ nổi và chỉ mong cho trời sáng để đi tìm anh. Nhung anh đã chết vì ngộp nước. Xác của anh Mạnh đã tìm được vào sáng hôm sau và đưọc chôn tại đồi cát cách trại K2 Tân lập khoảng 100 mét.”

Chị Hằng, vợ anh Mạnh đứng lặng người để nghe từng chi tiết về những giây phút cuối cùng của người chồng qua lời kể của 2 ông Sơn và Ân, những người bạn tù của người chồng thân yêu của chị đã mất tích 28 năm qua. Hai mươi tám năm sống trong nửa tin, nưả ngờ, vì chị chưa được xác nhận một cách rõ ràng của các nhân chứng đáng tin cậy. Dù ở tuổi ngoài 50, chị Hằng vẫn còn dáng dấp thanh xuân và gương mặt đẹp dịu hiền. Không nói chắc mọi người hiểu được phần nào cuộc sống đau khổ và ray rứt của chị Hằng và của hàng ngàn quả phụ có chồng chết trong các trại tù. Chưa bao giờ được thấy xác chồng và có nhiều trường hợp saư 33 năm vẫn chưa biết đích xác chồng con mình sống, chết ra sao? Nay được 2 người bạn tù của chồng xác nhận “ Anh Mạnh đã chết tại trại tù K2 Tân Lập”. Đôi mắt đẹp của chị long lanh những hạt lệ. Chị mở cuốn sổ cầm trong tay và đưa cho người viết 3 tấm biên nhận đã úa vàng:

“Đây là 3 tờ biên nhận đi thăm nuôi nhà tôi. Tôi vẫn giữ lại bao năm nay. Đó là những kỷ vật cuối cùng của nhà tôi. Xin tặng chị và hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt để các anh chị đưa vào kho tàng lịch sử cho mai sau biết được người tù và vợ tù chính trị VN đã sống ra sao? Người viết đã nhân và hứa với chị là sẽ làm công việc ủy thác này của chị.

Cuộc gặp gỡ sau nửa thế kỷ của hai nhạc sĩ nhạc tranh đấu

Trưởng Ban Tù ca Xuân Điềm ôm chặt lấy sáng lập viên Ban Hưng Ca Huỳnh Công Ánh. Họ người cùng quê ở Quận Phù Cát, tỉnh Quy Nhơn. Họ gặp nhau tại đây sau 50 năm xa cách. Hồi đó hai người còn là bạn sinh hoạt văn nghệ thời niên thiếu. Anh Xuân Điềm kéo violon tại nhà thờ lớn Quy Nhơn. Anh Huỳnh Công Ánh là trưởng ban văn nghệ của lớp tại trường Tabert. Rồi chiến tranh tới, hai người vào quân đội, mỗi người mỗi phương. Chiến tranh chấm dứt, hai người cùng vào nhà tù CS, mỗi người mỗi nẻo. Họ vẫn nghe tin tức của nhau qua báo chí, đài phát thanh và qua một số bạn bè để được biết rằng hai người bạn thời niên thiếu vẫn cùng một chí hướng. Nhưng phải đợi đến hôm nay, sau nửa thế kỷ, trong Đại hội này, hai người bạn cũ mời gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi.

Ban Hưng ca cuả nhóm Huỳnh công Ánh, Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Trương Sĩ Lương… nay có trưởng ban là nhà báo Huỳnh Lương Thiện tại Seattle đã phát triển tói nhiều tiểu bang , chưa kể tới các quốc gia khác như Hoà Lan, Úc, Pháp,…Ánh Xuân Điềm lập Ban Tù Ca từng có hàng trăm hội viên. Anh đã sáng tác trên 200 bản nhạc đấu tranh và ra 14 CD. Ban Tù Ca đã gừi 14 hội viên tham gia Đại hội. Họ đã cùng với nhạc sĩ Phan văn Hưng đến từ Úc Châu phụ trách phần văn nghệ cho “Đêm Tâm Giao” của Đại hội. Buổi tiệc tối hôm đó do Gia Đình Việt Mỹ của các anh chi em lai thiết đãi tại nhà thờ Thánh Phêrô. Vở nhạc kịch “Ca Khúc Đợi Chờ Của Người Vợ Tù” do chính phu nhân của anh Xuân Điềm, chị Thanh Liễu biên xoạn đã khiến nhiều chị không cầm được nước mắt. Đại hội đã nối lại tình bạn xưa của hai nhạc sĩ nhạc tranh đấu Huỳnh Công Ánh và Xuân Điềm, và họ đang bàn thảo về những chương trình sinh hoạt chung cho những ngày tháng tới.

Chuyên mãi không muốn dứt

Ông Luân Hữu Đức, cựu thiếu tá khóa 17 Thủ Đức, chỉ huy phó trung tâm tiếp vận Bình Long, tù 10 năm, qua các trại Long Giao, Tân Hiệp, Suối máu, Sơn La, Hà Nam Ninh. Ông Đúc đến từ Arizona bằng 3 chuyến bay “stand-by” vì quyết định “đi vào giờ chót nên phải mua vé máy bay đi lòng vòng”. Vợ ông, cựu thiếu tá nữ quân nhân Nhân Bích Phượng, tù 5 năm không đến với Đại hội được vì bà đã trải qua một cơn “stroke” vẫn phải ngồi xe lăn. Hai ông bà làm đám cưới năm 1973, ngày 30 tháng 4, 1975, đứa con gái duy nhất của họ mới 3 tháng tuổi phải để lại cho ông bà ngoại để ba mẹ đi tù. Khi mẹ về thì con đã 5 tuổi và cha về thì con đã 10 tuổi.

Sang Mỹ người con gái duy nhất của ông bà đi học lại trở thành kỹ sư điện tử và kết hôn với một bác sĩ y khoa. Ông bà đã có 2 cháu ngoại để hủ hỉ. Ông Đức đã vui mừng đến chảy nước mắt khi được gặp lại trung tá Minh, Đại Úy Phước bạn tù của trại Sơn La, Hà Nam Ninh. Các ông tay bắt mặt mừng, ôn lại chuyện xưa với bao nỗi bùi ngùi. Những câu chuyện hôm nay cũng chừng như không muốn dứt. Ông Đức quyết định ở lại Dallas thêm một tuần để hàn huyên dù cũng rất nóng lòng về chuyện ở nhà nhưng đây là cơ hội có một không hai với nhũng người bạn cùng chia xẻ một phần đời khốn khổ.

Bài thơ định mệnh và cô bé chào đời trong tù

Ông Đức cũng gặp bà Phạm thị Kim Hoàng, cựu Đại úy, đến từ Virginia, từng làm việc với bà Bích Phượng tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, Biên Hoà. Bà Kim Hoàng nhắc lại câu chuyện của trại tù Sóng Thần và bài thơ có tưa đề là “Tiếc” của một cựu bạn tù, nữ sĩ quan Vũ Thị Bích Huyền. Bà Huyền vào tù khi đã có thai 3 tháng. Bà làm bài thơ này để tiếc nhớ thời xa xưa khi còn là những nữ quân nhân khả ái và hôm nay trở thành người tù khổ sai. Bài thơ được nhiều người thích và sao chép lại Lúc ấy, có rất nhiều các nữ tù bị đau yếu hoặc sắp sinh con nên CS cho khoảng 15 người về sớm. Nữ sĩ quan Tôn Thu Hương chép bài thơ và giấu vào trong túi áo định đem về. Bọn CS lục xét trước khi thả tù và bắt gặp bài thơ. Bà Bích Huyền đứng ra nhận cho bạn với hy vọng mình sắp sanh CS sẽ cho về và không giữ bà Thu Hương lại. Có ngờ đâu bọn CS giữ cả hai ở lại. Bà Bích Huyền sau đó sanh ra cháu Vũ Mạnh Huyền Trân. Huyền Trân sanh ra và lớn trong tù cho tới khi hơn 3 tuổi mới được thả tự do cùng với mẹ. Khi ở trong nhà tù sống với hơn 300 nữ tù nhân, ai cũng thương yêu Huyền Tân. Cháu thật thông minh và gọi tất cả mọi người là “má”. Mỗi khi được ra sân chơi, nhìn thấy trại các nam tù nhân ở bên kia hàng rào, Huyền Trân gọi các ông là “ba”.Huyền Trân sau đó, khoảng 5 tuổi đi vượt biên đến Mỹ. Huyền Trân nay đã tốt nghiệp dược sĩ , chồng là bác sĩ. Bà Nguyễn thị Thanh Thủy, cựu thiếu tá Biệt đội Thiên Nga, từ nhân nữ bị giam cầm lâu nhất, có nhã ý giúp người viết tìm được bài thơ định mệnh “Tiếc”. Vì khuôn khổ bài báo có hạn nên người viết chỉ xin trích 4 câu từ trong bài thơ như sau:

“ Giờ đây ngày ấy xa rồi
Nhìn em luống nỗi ngậm ngùi, đắng cay
Dáng em tiều tụy hao gầy
Còn đâu xuân sắc những ngày xa xưa!”

Và còn cuộc trùng phùng của 8 thiếu tá khóa 13 Thủ Đức với các ông Nguyễn Thành Long và Nguyễn Ngọc Thạch tại Dallas, Trần văn Ngà từ California, Trần văn Thu từ Mississippi, Nguyễn văn Tấn từ Boston, Nguyễn Tài Bồi từ Massachusetts…Họ ra trường, được bổ nhiệm đi nhiều binh chủng khác nhau. Họ tù trung bình từ 7 năm đến 13 năm, nay được gặp gỡ nhau tại đây theo lời ông Ngà thì:” dù xa xôi , mệt mỏi và tốn kém nhất là trong thời kỷ kinh tế khó khăn nhưng chuyến đi thật nhiều ý nghĩa vì vừa được gặp anh em xa cách từ lâu, vừa được dịp để cám ơn bà Thơ và tất cả những người đã ít nhiều tranh đấu cho anh em cựu tù nhân.”



Thêm những người bạn mới cùng tâm huyết

Ông Lê văn Hậu đến từ Buffalo, New York, cựu sĩ quan trưởng đoàn 723 của đoàn 72 Sở Công Tác, Nha Kỹ thuật, tù 7 năm qua các trại Sông Mão, Tả Đơn, Sông Cái, qua Mỹ năm 1993, diện HO 18. Ông Hậu đã có 4 người anh em ruột tử trân trong cuộc chiến VN. Sang Mỹ sống ở xứ lạnh như cắt da vào muà đông, ít bạn bè Việt nam nên rất lấy làm thiếu thốn tình bằng hữu. Ông đến Đại hội với hy vọng gặp lại bạn tù cũ để nói với họ một tiếng cám ơn cho những “hạt muối, tán đường” đã chia xẻ trong tù và lời cám ơn đặc biệt tới bà Khúc Minh Thơ , nhưng ông chỉ làm được một việc mà ông hằng ao ước, đó là được gặp bà Thơ để nói tiếng cám ơn nhưng ông đã không tìm được những người bạn xưa. Trái lại, ông may mắn hội ngộ với số bạn mới. Ông đã không dấu được niềm vui khi nói về những người bạn mới mà ông vưà đưọc quen biết như Võ sư Vovinam Nguyễn Tiến Hoá. Người không phải đi qua Mỹ diên HO nhưng cũng đã nằm trong nhà tù CS hơn 3 năm. Sau vượt biên cùng với trên 150 bạn đồng hành bằng thuyền. Chuyến tàu định mệnh đã bị hải tặc tấn công, tất cả mọi người đã bị đánh đập, phụ nữ bị làm nhục và bị quăng thây xuống biển cả. Tất cả đã chết thảm kể cả vợ và hai con của Võ sư Hoá. Ông là nhân chứng sống duy nhất của chuyến tàu định mệnh này.

Võ sư Hoá và ông Hậu đã tâm sự và chia xẻ với nhau như những người bạn tâm giao từ thửa nào. Võ sư Hóa đã lập lại gia đình, mở 4 trường dạy võ Vovinam tại Dallas và đang mang giấc mơ đưa Vovinam vào Olympic. Võ sư Hoá và 16 võ sinh đã đến hội trường Garland Special Event Center từ 5 giờ sáng, và ở lại cho tới nửa đêm, để sắp đặt và dọn dẹp sân khấu, giúp một tay cho hai cuộc triển lãm của Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Quân Lực VNCH của nhà báo Giao Chỉ tức là cựu dân biểu VNCH Vũ văn Lộc, và nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, cũng như cuả Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt. Ông Hậu nghĩ rằng Dallas và Buffalo New York không còn xa cách nữa. Từ đây, ông đã có người bạn đồng chí hướng có thể chia xẻ với ông những đau thương của quá khứ và những hy vọng của hiện tại và tương lai.


Những tấm lòng vàng

Nhìn những nét vui và hạnh phúc trên những gương mặt khắc khổ của các tù nhân, tất cả những khó khăn, trắc trở, và nhọc mệt của những người trong Ban tổ chức như được vơi đi. Anh Tường Nguyễn, cựu sĩ quan Không quân, và Jennifer Nguyễn, chủ tịch hội đồng Người Mỹ Gốc Á, đã bỏ không biết bao thì giờ từ tháng 4 năm nay để tổ chức tiền đại hội “Góp Một Bàn Tay” trong tháng 7, rồi liên tiếp những tháng sau đó để lo cho Đại hội. Chị Jennifer Nguyễn vừa mới qua cuộc giải phẫu vì bị bịnh ung thư, nhưng chị cũng cố gắng vì “đã hứa với chị Thơ thì phải làm tròn nhiệm vụ”. Anh chi không chỉ góp công, mà còn bỏ tiền ứng trước nhiều chục ngàn đô la cho các chi phí không biết có thể thu lại được hay không? Chị Jennifer tâm sự:

“ Cũng mừng vì theo sơ kết, số thu không xa số chi là bao nhiêu. Cám ơn sự đóng góp ngay tại chỗ cuả quan khách tham dự khi được ban tổ chức kêu gọi. Số tiền này cũng lên tới trên 10 ngàn đô. Do đó, nếu có lỗ chút đỉnh, em và nhà em cũng rất vui và hãnh diện được góp một phần cho công việc đầy ý nghiã này!”

Không chỉ riêng anh chi Tường và Jennifer Nguyễn, còn biết bao nhiêu những tấm lòng vàng trong hội Quảng Đà. Bà Nguyễn Thương Thương, một hội viên của hội Quảng Đà đã phát biểu trong buổi hội thết đãi các cựu tù nhân tại hội trường Windfrey Point tại công viên White Rock Lake Park sáng thứ sáu 3 tháng 10:

“Hơn 30 năm qua, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, dù ở bất cứ địa vị nào trong xã hội, chúng tôi cảm nhận được một điều ; sở dĩ chúng tôi làm được những thành quả cá nhân nhỏ nhoi ấy, đó là nhờ vào sự hy sinh xương máu, nước mắt, mồ hôi của bao nhiêu quân cán chính miền nam Việt Nam….”

Và tất cả hội viên của hộì Quảng Đà đã tỏ lòng biết ơn bằng cách đóng góp tiền bạc, phương tiện và thì giờ để bữa tiệc trong ngày “Trở về” của cựu tù nhân thật tốt đẹp. Những món ăn thật ngon; món mì Quảng đã được các chị nấu ngon hơn bất kỳ nhà hàng bậc nhất nào, món gỏi, món cà ri… thật đậm đà tình người. Ông Nguyễn Hân, ngoài việc là hội viên hội Quảng Đà, ông còn tham gia với tư cách chủ tịch hội HO Dallas cho biết hội HO Dallas từ khi thành lập đã đón nhân trên 600 gia đình HO tìm đến thành phố nắng ấm này để lập nghiệp. Ông phát biểu:” Tôi cũng không ngờ anh em lại về đông đến thế. Chứng tỏ rằng tình anh em vẫn luôn gắn bó dù không gian và thời gian có cách trở nhưng lòng quyết tâm của những người đã từng sống chết với nhau trong những giờ phút bi đát nhất đã tạo dựng nên nhân cách của anh em. Từ đó, không ai có thể ngăn cản bước chân của họ.

Và còn không biết bao nhiêu những đóng góp, hy sinh khác như 5 chị Liên Châu, Việt Hương, Mỹ Hạnh, Ánh Nguyệt và chị hội trưởng Hoàng Oanh cuả hội Cự Nữ Sinh Trung Học Lê văn Duyệt đã tự trả chi phí đến từ San Jose’ để giúp việc tiếp tân và làm tất cả những gì cần thiết để Đại Hội được thành công tốt đẹp.

Và rồi tất cả các ca sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp giúp vui trong đêm văn nghệ tối thứ bảy 4 tháng 10, với chủ đề: “Ba Hình Ảnh, Một Cuộc Đời” đã không nhận thù lao như nhạc sĩ Nam Lộc, Việt Dzũng. Đặc biệt là các ca sĩ là con của các cự tù nhân trong đó có Nguyên Khang, Băng Tâm, Diễm Liên, Như Quỳnh, Đoàn Phi, Thế Sơn, Trần Thái Hoà, Hồ Hoàng Yến, Thành Lễ, Ánh Minh, các nghệ sĩ thuộc nhóm Gia Đình Mỹ Việt; Randy và Vân Anh và nhà vẽ kiểu thời trang Kathy Đặng.

Ca sĩ Thế Sơn tâm sự với người viết trong một cuộc phỏng vấn ngắn: “ Lúc ba em đi tù, nhà mẹ phải bán đồ dần để sinh sống. 5 năm đầu thật khốn khổ. Em đang tuổi lớn, thiếu ăn nên lúc nào cũng bị đói, đói run người. Em rất thích ca hát và nhờ trời cho có giọng nhưng em biết phải đi học mới có căn bản để tiến xa. Em đã phải khai giấu lý lịch để được học tại trường Quốc gia âm nhạc. Khi em đi hát được thì gia đình đỡ khổ hơn. Đến khi gia đình được đi sang Mỹ em đã nổi tiếng tại VN và kiếm trên 1,000 đô la một tháng. Đời sống rất đầy đủ nhưng em vẫn quyết định ra đi vì tuy có tiền tại VN, em và các nghệ sĩ cũng không được tự do như ở bên này, mình muốn hát bài gì cũng không được tự do chọn lựa và luôn phải ngó chừng những người chung quanh. Em đến Dallas hát kỳ này với hy vọng đem lời ca, tiếng hát của mình để cám ơn các bậc cha anh đã hy sinh trong tù đày, tới Bà Khúc Minh Thơ và tất cả những người đã bỏ công vận động cho chương trình tị nạn tại Hoa Kỳ cho tù nhân chính trị VN, và tất cả những người trong ban tổ chức đã bỏ nhiều công sức để làm nên đại hội đầy ý nghiã này!”

Còn biết bao nhiêu những tấm lòng vàng khác đã hỗ trợ, tham dự đông đảo cho 3 ngày đại hội đưọc thành công tốt đẹp. Con số người tham dụ buổi văn nghệ tối thứ bảy đã đếm được trên 4,300 người. Cựu tù nhân và đồng hương của các thành phố lân cận cũng đã đến Dallas tham dự đông đảo, Houston có trên 60 người tham dự, chưa kể những người đi riêng lẻ. Riêng Austin thành phố nhỏ hơn nhưng cũng có gần 30 người trong đó kể cà đại diện của Tổ chức Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt tại Austin và vùng Phụ cận.

Ngày Chủ Nhãt 5 tháng 10 là ngày có thánh lễ cầu hồn cho các tù nhân đã quá vãng tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và cầu siêu tại chùa Đạo Quang. Bà Khúc Minh Thơ đứng trước sân chùa Đạo Quang, bên cạnh hồ nước trong mát đã trả lời câu hỏi cảm tưởng của bà về Đại hội:

“ Tôi rất sung sướng và mãn nguyện khi thấy hàng ngàn anh chi em tù nhân đã gặp nhau mừng mừng, tủi tủi sau 40, 50 năm xa cách. Tôi cũng cảm thấy lòng hơi buồn vì Đại hội đã dự tính 4 năm qua nhưng nay mới thực hiện được. Có những người từng mong đọi đi dự Đại Hội này đã không còn nữa. Dù sao, ước vọng này đã hoàn tất. Xin cám ơn tất cả những đóng góp của tất cả mọi quan khách và thân hữu. Trong khi tổ chức chắc chắn cũng có nhiều sơ sót, xin quý vị vì tình thương mà hỳ xả cho.”

Trên con đường về từ Dallas tới Austin với gần 4 tiếng lái xe, hồi nhớ lại 3 ngày vui qua mau cuả Đại hội, người viết đã chứng kiến được những cảnh trùng phùng hy hữu của các cựu tù nhân chính trị. Những niềm vui của bao sự chia lià nay đã có cơ hội được hàn gắn, được tiếp nối như câu nói vẫn đưọc mọi người nhắc đến để an ủi lẫn nhau mỗi khi có những khốn khó vừa qua:” Sau cơn mưa trời lại sáng!” Duy chỉ có những cơn giông vào buổi chiều tà thì bóng tối lại phủ đến mênh mông. Như nỗi bất hạnh của những người quả phụ, những cô nhi của những tù nhân chính trị đã bỏ xác trong nhà tù. Giông bão thời cuộc đã cuốn hút chồng, cha họ khòi mái gia đình yêu thương. Những người tù bất hạnh này không được sống để chờ bình minh lên, để có cuộc trùng phùng hôm nay. Họ đã chết trong tăm tối. Sự chia lìa này là sự chia lià vĩnh viễn. Vợ con họ có nhiều trường hợp tới hôm nay vẫn chưa xác quyết được chồng con họ đã chết ra sao? Ở đâu? Từ suy nghĩ đó, bất chợt đôi mắt long lanh đầy lệ cuả chị Hằng vợ anh Nguyễn Lương Mạnh, người tù nhân chết thảm trong trại K2 Tân Lập, mà tôi đã gặp trong Đại hội, trở về với tâm trí của tôi, thật rõ ràng và thật đậm nét.

Triều Giang
Tháng 10/08



Ghi chú:

Hìng 1: Bạn tù ggặp gỡ nhau trong Ngày Tù Nhân Chính Trị VN tại Dallas; Miệng cười nhưng mắt đỏ long lanh. (Hình của VAHF)

Hình 2: Bạn tù chuyện vãn trên bờ hồ White Rock Lake. ( Hình cuả VAHF)

Hình 3: Ban tổ chức ghi rõ tên các trại tù trên nhiều tấm bảng khác nhau để các cựu tù nhân dễ tìm ra nhau. Riêng bảng của tỉnh Đồng Nai đã có 23 trại tù. Đã có trên 100 tên trại tù đã đưôc nhắc đến tại Ngày Tù nhân chính trị tại Dallas. CSVN khi nắm chính quyền đã biến trường học, nhà thờ, chùa chiền thành nhà tù. Nhà tù mọc lên khắp nơi, từ nam chí bắc và khoảng gần 1 triệu tù nhân trong các nhà tù khổ sai không bản án không ngày về. Được biết dù hàng trăm trại tù đã được nêu tên nhưng vẫn chưa đầy đủ, Hội VAHF đã làm một cuộc Tìm hiểu về những trại tù và đã được một số cựu tù nhân bổ khuyết thêm 5 trại tù tại chỗ là các trại Tân Lý Tây, Tân Lập và Vĩnh Hựu tại Tiền Giang, Trại Kiên Giam A 20 tại Tuy Hòa, và Đông Xuân-Phú Khánh. Một số đông các cựu tù nhân đã đem phiếu tìm hiểu về nhà để điền và sẽ gửi về địa chỉ của hội tại P O Box 29534, Austin, TX. 78755 để bổ khuyết sau (Hình của VAHF)

Hình 4: cựu tù nhân Lê văn Giáp từng tù tại Trại 2 Ái Tử, Quảng Trị, và Trại 5 Bình Điền, Huế, đứng chụp hình trước khu triển lãm về tù nhân chính trị của hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt trong Ngày Tù Nhân Chính Trị VN tại Dallas. (Hình của VAHF)

Hình 5: Cựu Thiếu tá Cảnh sát Biệt đội Thiên Nga, Nguyễn Thị Thanh Thủy, người nữ tù bị giam giữ lâu nhất chụp hình với chiếc áo tù và đôi găng tay do chính bà làm bằng những miếng vải vụn để bao tay khi làm lao động . Trên chiếc áo tù có đóng dấu “Z30D”, tên của trại tù cuối cùng trước khi bà được thả. Bà Thanh Thủy đã cho hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt mượn để trưng bày trong cuộc triển lãm tại Ngày Tù Nhân Chính Trị VN tại Dallas trong 3 ngày 3-5 tháng 10 vừa qua và bà đã tặng hội một số tài liệu đáng kể về trại tù “Z30D”, (Hình của VAHF)

Hình 6: Thế hệ thứ ba, cháu của tù nhân chính trị VN trong ngày Đại hội. (Hình của VAHF)

Hình 7: Nhà Thơ Việt Yên, một tù nhân chính trị VN, tác giả của tập thơ “Đường vô rừng lá” và phu nhân trong ngày Đại Hội. (Hình của VAHF)

Hình 8: Quan khách thăm viếng khu triển lãm của hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) tại Đại hội. Bộ sưu tập “Chân Dung Người Mỹ Gốc Việt tại Texas” và hàng trăm tập tài liệu về cuộc vận động thả tù nhân chính trĩ VN của Hội Gia đình Tù nhân Chính trị VN, Cộng đồng Người Việt và nhiều tổ chức quốc tế khác đã được trưng bày. Đây là một phần nhỏ của những tài liệu đã được hội VAHF đưa vào văn khố Mỹ tại Việt Nam Center thuộc Đại học Texas Tech, Lubbock. (Hình của VAHF)

HÌnh 9: Hình chụp 3 tờ biên nhận đi thăm tù của phu nhân cố tù nhân Nguyễn Lương Mạnh tặng cho Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Biệt. Cố sĩ quan Nguyễn Lương Mạnh bị mất tích từ năm 1980, nay đã được các bạn tù của ông xác nhận với phu nhân của ông trong Ngày Tù Nhân Chính Trị tại Dallas; ông Mạnh đã tử nạn tại trại tù K2 Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú, Bắc Việt. (Hình của VAHF)

Hình 10: “Giấy Ra Trại”, “Sổ Trình Diện Quản Chế”, “Giấy Xả Chế” là 3 tài liệu sống
cuả cựu Thiếu tá Bộ Binh Võ văn Đại đến từ Houston, tặng cho Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) tại cuộc triển lãm trong Ngày Tù Nhân Chính Trị tại Dallas. Hội VAHF và Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Quân Lực VNCH là hai tổ chức được lập ra để gìn giữ và bảo vệ kho tàng lich sử và văn hoá Nam Việt Nam. Hai tổ chức này lần đầu tiên có một cuộc triển lãm tại chung một địa điểm. Hàng ngàn người đã đến thăm hai cuộc triển lãm với hàng trăm hình ảnh và tài liệu đã được trưng bày. Rất nhiều tù nhân đã tặng những kỷ vật từ nhà tù cho cả hai tổ chức này. (Hình của VAHF)

1 comment:

SQTB K10B/72 THSQ-QLVNCH said...

DỰ LUẬT H.O
của
Ông NGUYỄN NGỌC BÍCH và Bà KHÚC MINH THƠ

Đỗ Ngọc Uyển

Lời nói đầu: Ngày 23/9/2008, trên trang báo điện tử Ánh Dương có đăng bàì của ông Huy Phương phỏng vấn ông giáo sư Nguyễn Ngọc Bích: “về hoạt động của Bà Khúc Minh Thơ và Hội Gia đình Tù Nhân Chính trị cho chương trình H.O.” Trên Người Việt Online, ngày 1/11/2008, ông Huy Phương đã viết bài “Tạp ghi Huy Phương: Chút ơn nghĩa cuối đời.” để trách cứ những người tù chính trị Việt Nam đã vô ơn đối với bà Khúc Minh Thơ. Vì nhận thấy có những điều trả lời của ông Nguyễn Ngọc Bích không đúng sự thật và lời trách cứ của ông Huy Phương là hồ đồ. Với tư cách một người lính và cựu tù chính trị, tôi viết bài này để trình bày những sự thật về sự kiện người tù chính trị Việt Nam, một sự kiện mang dấu ấn lịch sử.


1- Trong bài phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Bích “về hoạt động của Bà Khúc Minh Thơ và Hội Gia đình Tù Nhân Chính trị Việt Nam cho chương trình H.O.” do ông Huy Phương thực hiện và được đăng lại trên trang báo điện tử Ánh Dương ngày 23/9/2008, có một đoạn ông Nguyễn Ngọc Bích đã nói nguyên văn như sau:

“…Vào ngày 30-4-1987 chúng tôi cùng bà Khúc Minh Thơ, tức là Nghị Hội với Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam tổ chức một buổi tiếp tân ở trên Quốc Hội. Buổi tiếp tân này vừa đánh dấu ngày 30/4 đau buồn của đất nước, vừa đưa vấn đề Việt Nam cho Quốc Hội họ nghe. Dịp may trong buổi tiếp tân đó là có sự hiện diện của hai vị Thượng Nghị Sĩ quan trọng là ông Bob Dole và Edward Kennedy… Buổi tiếp tân tại Quốc Hội hôm đó, chúng tôi (NNB) làm MC, khi chúng tôi giới thiệu hai vị TNS này thì chúng tôi cũng dùng một câu rất được lòng hai ông ấy… Khi giới thiệu, chúng tôi đã giới thiệu rằng hai vị đây là hai ứng cử viên tương lai có thể làm tổng thống…. cả hai vị đều hài lòng nên có hứa rằng là họ sẽ tiếp tay với chúng tôi làm chuyện can thiệp cho các tù nhân chính trị đang bị giam giữ.

Họ giữ lời hứa, ngay ngày hôm sau 1/5/1987, họ bảo các phụ tá của họ ngồi lại với nhau viết ra cái dự luật sau này gọi là dự luật H.O. Chúng tôi đã đi theo từ giai đoạn đầu tiên, từ lúc thành dự luật, rồi nó đi qua nhiều chặng trong Quốc Hội. Chúng tôi thường xuyên lên Quốc Hội gõ cửa, không chỉ riêng hai ông Bob Dole hay Kennedy, mà còn nhiều vị Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu khác… ”




Ông giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã nói không đúng sự thật. Cái mà ông Bích gọi là dự luật H.O ngày 1/5/1987 chỉ là cái Nghị Quyết số S.RES.205 Title: A resolution calling for the release of political prisoners by the government of Vietnam. (Một nghị quyết kêu gọi chính phủ cộng sản Việt Nam thả những người tù chính trị.) Nghị quyết này do 6 Thượng Nghị Sĩ đồng bảo trợ trong đó có hai Thượng Nghị Sĩ Bob Dole và Edward Kennedy.

Không chỉ riêng có Thượng Viện Hoa Kỳ ra nghị quyết kêu gọi cộng sản thả tù chính trị, vào ngày 26/5/1987, tại Hạ Viện Hoa Kỳ, Dân Biểu Bob Dornan cùng 58 Dân Biểu khác cũng đã đồng bảo trợ một Nghị Quyết yêu cầu cộng sản VN thả những tù nhân chính trị ra. Nghị Quyết này mang số H.RES.212 Title: A resolution concerning the release of political prisoners by the government of Vietnam. (Một nghị quyết liên quan đến chính quyền cộng sản thả những người tù chính trị.)

Thực ra, không phải đợi cho đến ngày 1/5/1987 nhờ có ông Bích và bà Thơ vận động với hai ông Thượng Nghị Sĩ Bob Dole và Edward Kennedy nên mới có được cái gọi là Dự Luật H.O. tưởng tượng ra đời để can thiệp cho những người tù chính trị ra khỏi nhà tù cộng sản và đi tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa kỳ đã làm công việc này từ lâu, chậm nhất là từ năm 1982. Cao Uỷ Phủ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và chính phủ Mỹ đã có những chuẩn bị để tiếp nhận tù chính trị Việt Nam từ tháng 7/1982. Sau đây là bản tin được đăng trên tờ New York Times số ra ngày July 1, 1982.

U.S. and U.N Said to Study Vietnam Resettlement Offer
Special to the New York Times
Published July 1, 1982

A State Department official said today that the Reagan administration was working
with the United Nation High Commission for Refugees “to determine whether the Vietnamese are in fact prepared to release persons from re-education camps for resettlement abroad.” (Hôm nay, một viên chức Bộ Ngoại Giao nói rằng chính quyền Reagan đang làm việc với Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc “để xác định xem Viêt Nam có thực sự chuẩn bị thả những người bị giam cầm trong các trại cải tạo để họ đi định cư tại ngoại quốc hay không.”)





The official estimated that there were about 100,000 people in so-called re-education camps, many of them confined because of their past ties to the United States. (Viên chức này ước tính rằng có khoảng 100,000 người bị giam giữ trong những cái gọi là trại cải tạo, nhiều người trong số họ đã bị giam cầm vì có những liên hệ chặt chẽ với Hoa Kỷ.)

Nhìn lại thật kỹ những chuyển động chuẩn bị cho việc thả những người tù chính trị để họ đi định cư tỵ nạn tại Mỹ thì thấy những diễn tiến như sau: Từ đầu thập niên 1980, cộng sản đã bắt đầu di chuyển những người tù từ Bắc vào Nam, những người mà cộng sản đã quyết tâm đưa đi đầy ải để giết chết trong các “trại cải tạo” dã man tại Miền Bắc. Tiếp theo đó, cộng sản cũng bắt đầu lần lượt thả tù ra. Cũng vào khoảng thời gian này, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan đã bắt đầu nhận đơn xin tỵ nan và cấp LOI (Letter of Introduction) cho những người tù đã được thả ra để chuẩn bị lập hồ sơ xuất cảnh. Kể từ năm 1984 trở đi – nghĩa là 3 năm trước khi có cái Dự Luật H.O. ngày 1/5/1987 tưởng tượng của ông Nguyễn Ngọc Bích và bà Khúc Minh Thơ ra đời - việc gửi đơn sang toà Đại Sứ Mỹ tại Thái Lan để xin đi tỵ nạn là công khai và chính thức; chẳng phải gửi “chui” hay giấu giếm gì cả, cứ việc gửi thẳng tại bưu điện Saigon. Vào tháng 10/1989, cộng sản ra thông báo và bắt đầu nhận đơn xin xuất cảnh và cấp phát sổ thông hành (passport) cho người cựu tù đi Hoa Kỳ theo đơn xin. Khi đó, người cựu tù đã có sẵn trong tay cái Giấy Giới Thiệu (LOI/Letter of Introduction) của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan cấp để góp vào hồ sơ xuất cảnh. Cũng vào thời gian đó, Mỹ lập văn phòng phỏng vấn tại Sàigòn. Mỗi tháng Hoa Kỳ phỏng vấn và nhận hơn một ngàn gia đình cựu tù chính trị Việt Nam vào Mỹ liên tục trong hơn 4 năm cho tới ngày 3/2/1994, khi những người cựu tù cuối cùng và gia đình bước chân lên máy bay thì tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố huỷ bỏ cấm vận cộng sản VN và chuẩn bị thiết lập bang giao. Tất cả mọi việc diễn tiến rất có lớp lang, gần như theo một lộ trình đã được thoả hiệp ngầm trước đó.

Như đã nói ở trên, kể từ năm 1984 trở đi, việc gửi đơn sang Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan để xin đi tỵ nạn là công khai và chính thức; nhưng cũng có một số người tù chính trị khi được thả ra đã e ngại, hoặc vì lý do nào đó đã không gửi đơn qua bưu điện mà tìm cách gửi qua Hoa Kỳ nhờ bạn bè, người thân hay bà Khúc Minh Thơ chuyển tiếp đến toà Đại Sứ Mỹ tại Thái Lan. Đó là “công ơn” của bà Khúc Minh Thơ đối với một số anh em cựu tù nhân chính trị mà ông Nguyễn Thanh Ty đã coi đó là “bát cơm phiếu mẫu.”





Đúng là bà Khúc Minh Thơ và ông Nguyễn Ngọc Bích đã có công đi vận đông vất vả từ Quốc Hội sang Bộ Ngoại Giao đến chính giới nên mới có cái dự luật “H O.” tưởng tượng ngày 1/5/1987. Không ai phủ nhận công lao to lớn đó của hai vị này; nhưng khi tra cứu và tìm hiểu kỹ thì thấy rằng ông Bích và bà Thơ đã vất vả đi gõ những cánh cửa đã mở toang ra sẵn từ trước để mời quý vị vào dùng coca cola ướp lạnh, nghỉ mệt, chụp hình kỷ niệm để sau này trưng bày và nhận những lời cảm ơn rất lịch sự kiểu Mỹ…; có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ đã đi tìm cách trả món nợ quốc gia đối với đồng minh trong cuôc chiến “closing out this nation’s debt to its Indochinese wartime allies” từ rất lâu, trước khi ông Nguyễn Ngọc Bích và bà Khúc Minh Thơ đến gõ cửa văn phòng họ.

Như đã trình bày ở trên, không có cái gọi là dự luật H.O. ngày 1-5-1987 nào cả, mà chỉ là cái Nghị Quyết số S.RES.205 yêu cầu cộng sản thả tù chính tri. Cái gọi là dự luật H.O. chỉ là một món hàng giả do ông Bích và bà Thơ vẽ ra để đánh tráo một sự kiện lịch sử.

Viêc người tù chính trị ra đi muộn là do cộng sản gây khó khăn kể từ năm 1982 như ông Funseth đã nói trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Nguyễn Khanh của RFA nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày 30/4/75. Ông Robert Funseth đã nói nguyên văn như sau: “…và ngay trong buổi đầu gặp gỡ với họ, (vào năm 1982) tôi được thông báo là trong số những người Hoa Kỳ muốn đón sang Mỹ định cư, thành phần tù nhân chính trị là diện khó nhất.”

Hoa kỳ là một quốc gia gồm những di dân và người tỵ nạn. Từ rất lâu, Hoa Kỳ đã có những đạo luật về di dân và tỵ nạn; nhưng sau ngày 30/4/1975, để đáp ứng với làn sóng hàng triệu người tỵ nạn Đông Dương, đặc biệt là người Việt Nam, Quốc Hội và Chính Phủ Hoa Kỳ đã ban hành 3 đạo luật về Đinh Cư và Tỵ Nan (Three Acts have facilitated the immigration and resettlement of Southeast Asian refugees) sau đây:

Đạo luật thứ nhất – Indochina Migration and Refugee Act of 1975 – University of California Irvine Southeast Asian Archive đã ghi lại trường hợp ban hành đạo luật này như sau:
“…In fact, one public opinion poll taken when Saigon fell in 1975 showed only 36% of the respondents in favor of Vietnamese immigration, fearing loss of job and increase public spending. However, President Gerald Ford and other public figures, including people who had been opposed to the war in Vietnam, strongly supported the refugees. Congress allocated resettlement aid and passed the 1975 Indochina Migration and Refugee Act, which allowed the refugees to enter the United States under a special migration and “parole” status...” (Thực vây, một cuộc thăm dò dân ý khi Saigon sụp đổ vào năm 1975 đã chỉ có 36% người được hỏi đã đồng ý nhận người di dân Việt Nam, vì họ sợ mất việc làm và tăng chi tiêu của công. Tuy nhiên, tổng thống Gerald Ford và những nhân vật quan trong của Hoa Kỳ kể cả những người đã chống đối cuộc chiến Việt Nam cũng mạnh mẽ ủng hộ những người tỵ nạn. Quốc Hội đã phân phối ngân khoản tái định cư và thông qua Đạo Luật Đinh Cư và Tỵ Nạn Động Dương năm 1975, nó cho phép người ty nạn nhập vào Hoa Kỳ theo một quy chế nhập cư đặc biệt.)

Đạo luật thứ hai – Indochina Migration and Refugee Assistance Act of May 23, 1975. This Act established a program of domestic resettlement assistance for refugees who fled from Cambodia and Vietnam. (Đạo Luât Trợ Giúp Di Dân và Tỵ Nạn ngày 23 tháng 5 năm 1975. Đạo luật này thành lập một chương trình trong nội địa để trợ giúp cho người tỵ Nạn đến từ Cambodia và Việt Nam.)

Đạo luật thứ ba – The Refugee Act of 1980 – This Act created The office of Refugee Resettlement, which administers programs and services for refugees within the U.S. Individual states play a central role in the resettlement process and are required to have plan for refugee assistance in order to receive federal funding… The Refugee Act of 1980 was passed to set up systems to deal with increasing number of refugees from Vietnam and other countries of the world. (Đạo Luật Tỵ Nạn năm 1980 - Đạo luật này thành lập Văn Phòng Tái Định Cư Tỵ nạn để quản trị các chương trình và dịch vụ cho người tỵ nạn trong nội địa nước Mỹ. Các Tiểu Bang của Hoa Kỳ giữ vai trò trung tâm trong phương cách tái nhập cư và đòi hỏi phải có kế hoạch trợ giúp tỵ nan để được nhận ngân khoản trợ cấp từ Liên Bang…Đạo Luật Tỵ Nạn năm 1980 được thông qua để thiết lập một hệ thống nhằm đối phó với sự gia tăng số người tỵ nạn từ Việt Nam và các nước khác trên thế giới.)

Trên đây là 3 đạo luật chính của Hoa Kỳ áp dụng cho tất cả các trường hợp đến tỵ nạn tại Hoa Kỳ sau ngày 30/4/1975 kể cả những người cựu tù chính trị Việt Nam, và không có cái gọi là Dự Luật H.O do ông Nguyễn Ngọc Bích và bà Khúc Minh Thơ vận động để áp dụng riêng cho những người tù chính trị Việt Nam. Ngoài 3 đạo luật trên đây, vào năm 1987, Quốc Hội Hoa Kỳ còn thông qua đạo luật Amerasian coming Home Act để đón nhận các trẻ em lai Việt Mỹ trở về nhà.

Người tù chính trị Việt Nam đi định cư tỵ nạn tại Mỹ là do Một Thoả Thuận (An Agreement) được ký kết giữa Hoa Kỳ và Việt cộng vào ngày 29/7/1987 tại Hà Nội. Cái bút mà ông Robert Funset dùng để ký cái thoả thuân đó với thứ trưởng Việt cộng Vũ Khoan đã được ông Funseth, vì lịch sự kiểu Mỹ, tặng cho bà Khúc Minh Thơ để trưng bày (display) và làm kỷ niệm vì bà Thơ và Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị đã nhận và chuyển giúp nhiền ngàn hồ sơ xin tỵ nạn chính trị của các cựu tù nhân tới Toà Đại Sứ Mỹ tại Thái Lan


Sự kiện tù chính trị Việt Nam là một sự kiện mang Dấu Ấn Lịch Sử. Do đó, mọi việc phải được trình bày một cách nghiêm túc và trung thực. Chúng tôi ghi nhận bà Khúc Minh Thơ đã có những quan tâm đặc biệt đến những người tù chính trị trong đó có Đại Tá Nguyễn Bê, phu quân của bà, và làm trung gian chuyển tiếp hồ sơ xuất cảnh - có thể lên đến nhiều ngàn - của một số anh em cựu tù nhân tới Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan. Và chỉ có vậy mà thôi. Ơn nghĩa phải minh bạch và sòng phẳng.

Trong một đoạn khác của bài phỏng vấn, ông Nguyễn Ngọc Bích có nói nguyên văn như sau: “…nếu không có cái hội của bà Khúc Minh Thơ thì chương trình H.O. không biết ở cái quy mô nào, có thể nó cũng xảy ra, nhưng ở quy mô rất nhỏ …”

Đọc câu này thì phải hiểu rằng chính là nhờ bà Khúc Minh Thơ và cả ông Nguyễn Ngọc Bích nên mới có chương trình H.O. quy mô lớn như thế và nếu không có bà Thơ và ông Bích thì không có chương trình H.O. và nếu có thì nó cũng sẽ ở quy mô rất nhỏ. Đây chỉ là lời suy đoán mơ hồ, không dẫn chứng cụ thể. Một giáo sư đại học Mỹ không làm chuyện suy đoán như thế.

Chúng tôi tin chắc rằng dù bà Khúc Minh Thơ và ông Nguyễn Ngọc Bích có vất vả đi vận động hay không thì việc những người cựu tù chính trị ra khỏi nhà tù cộng sản và sang cư ngụ tại Mỹ vẫn diễn ra theo đúng quy mô như nó đã diễn ra, bởi vì việc này phù hợp với quyền lợi lâu dài của Mỹ. Sớm hay muộn, Mỹ phải trở lại Việt Nam, một vị trí chiến lược, để bảo vệ quyền lợi chính trị và kinh tế lâu dài của Mỹ trong vùng Đông Nam Á. Trong tập Hồi Ức và Suy Tư của Trần Quang Cơ, thứ Trưởng Ngoai Giao cộng sản, đã viết đại khái rằng ngay trong tháng 5-1975, hai cơ quan ngoại giao của Việt cộng và Hoa Kỳ tại Paris đã trao đổi thư từ bàn về việc thiết lập bang giao giữa hai bên, nhưng không thực hiện được ngay lúc đó và phải đợi cho tới hơn 20 năm sau mới thiết lập được bang giao bởi vì Việt Cộng “đang thừa thắng xông lên,” đòi Mỹ phải bồi thường 3 tỷ mỹ kim. Và như tôi đã nói ở trên, khi những người cựu tù cuối cùng bước chân lên máy bay để rời khỏi Việt Nam thì ngay lập tức vào ngày 3-2-1994, tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố huỷ bỏ cấm vận cho cộng sản và chuẩn bị thiết lập bang giao giữa hai bên. Cũng nên nhớ rằng ngay từ năm 1977, tổng thống Gerald Ford đã không phủ quyết mà còn ngầm ủng hộ để cho cộng sản Việt Nam ra nhập làm thành viên Liên Hiệp Quốc; nghĩa là ngay sau khi tháo chạy khỏi Việt Nam, Mỹ đã chuẩn bị trở lại Việt Nam, một vị trí chiến lược để bảo vệ quyền lợi lâu dài của Mỹ tai vùng Đông Nam Á. Mỹ đã chạy khỏi Việt Nam, nhưng Mỹ vẫn không thể thoát ra khỏi Việt Nam. Do đó, vấn đề tù chính trị Việt Nam là vấn đề nằm trong tâm can cuả Mỹ. Dù có là đệ tử trung kiên của chủ nghĩa thực dụng, người Mỹ cũng không thể vác cái mặt mo đến Hà Nội lập Toà Đại Sứ khi những người từng là đồng minh thân thiết của họ còn nằm trong nhà tù cộng sản.

Ngoài yếu tố thực dụng trên đây, còn một yếu tố tâm lý cũng quan trọng. Đó là tâm thức tập thể của Hoa Kỳ đã nhận thấy rằng những người làm chính sách cao cấp của Hoa Kỳ như Kissinger và Nixon đã phản bội một cách vô đạo đức những cam kết của Hoa Kỳ đối với đồng minh VNCH. Đây là một lỗ đen trong lịch sử Hoa Kỳ (a black hole in the American history) không thể tẩy xoá được. Không một người Mỹ nào có lương tri và tự trọng có thể hãnh diện mình là người Mỹ trong ngày 30-4-1975. Lương tâm tập thể của Hoa Kỳ đã bị day dứt. Do đó, ngay trong tháng 5/1975, những khuôn mặt quan trọng của Mỹ đã từng chống đối cuộc chiến Việt Nam cũng đã ủng hộ manh mẽ người tỵ nạn Việt Nam. Quốc Hội và Chính phủ Hoa Kỳ đã nhanh chóng ban hành Đạo Luât Định Cư và Tỵ Nạn Đông Dương (The 1975 Indochina Migration and Refugee Act) cho phép người tỵ nạn Việt Nam vào Hoa Kỳ theo một quy chế nhập cư đặc biệt. Do đó việc đưa những người tù chính tri VN sang định cư tại Mỹ là để trả một món nợ lương tâm và đạo đức của Hoa Kỳ đối với những người đã một thời là đồng minh sát cánh chiến đấu trên cùng một chiến trường. Trả xong món nợ đạo đức và lương tâm này, người Mỹ mới có được những giấc ngủ yên hàng đêm. “This has helped us American sleep better at night.”

Mục đích trước hết và trên hết của cuộc phỏng vấn do ông Huy Phương thực hiện là
để cầu cứu ông giáo sư Nguyễn Ngọc Bích biện hộ cái tính chính danh cho bà Khúc Minh Thơ - đã bị Tổng Hôi Cựu Tù Nhân Chính Tri Việt Nam chính thức phủ nhận bằng một tuyên cáo - để bà này đứng ra tổ chức cái gọi là: “Ngày Tù Nhân Chính Trị Việt Nam.” Ông giáo sư càng cố gắng biện hộ thì càng lòi ra những điều không đúng sự thật. như đã trình bày ở trên.

2- Trong bài “Tạp ghi Huy Phương: Chút ơn nghĩa cuối đời,” đăng trên Người Việt Online, ngày 1//11/008, có một đoạn ông Huy Phương đã viết nguyên văn như sau:

“…Gần đây, luận về một sự giúp đỡ trong quá khứ cho mgười tù chính trị, người ta đã phân
tích, đem chẻ sợi tóc ra làm tư để phủ nhận công ơn những ai đã giúp đỡ mình, dù nhiều, dù ít, bằng cách này, hay bằng cách khác. Để khỏi mang ơn hay tránh mặc cảm là kẻ vô ơn, người ta phải tự lừa dối với cả chính mình bằng cách vẽ lại hình ảnh người ơn một cách xấu xa đến mức tàn tệ. Khi xúc động với lòng biết ơn người ta vẽ nên hình ảnh bà Tiên nhiệm mầu chan chứa lòng bác ái, khi bất bình người ta sẵn sàng tô vẽ hình ảnh ấy thành một mụ phù thuỷ quái ác. Thật ra, chúng ta không phải nhất thiết làm những chuyện như vậy, vì vào những ngày xa xưa ấy, những người bỏ công sức, bằng cách này hay cách khác để tìm cách cứu vớt người lâm nạn, không có ai mong mỏi sẽ có một ngày nào đó được đền đáp lại, dù chỉ là một câu cám ơn đầu lưỡi.



Trong toàn bài viết cũng như trong đoạn văn trên đây, ông Huy Phương đã vận dụng một thứ tình cảm lê thê để trách móc một cách hồ đồ và gọi những người tù chính trị là kẻ vô ơn đối với bà Khúc Minh Thơ, đại ân nhân của ông Huy Phương. Bằng một giọng văn nỉ non, bi thảm, ông Huy Phương đã tô vẽ hình ảnh những ngượi tù chính trị thành những hình nhân đau khổ, tuyệt vọng, mất hết niềm tin, chỉ còn biết ngồi chờ bà Tiên nhiệm mầu chan chứa lòng bác ái của ông Huy Phương đến cứu. Ngòi bút của ông Huy Phương đã phản ánh ngược lại bản chất hiên ngang của các chiến binh anh hùng của QLVNCH mà tôi đã chứng kiến qua 9 trại tù cộng sản từ Nam ra Bắc. Chính bọn cai tù ác ôn cộng sản cũng phải thú nhận rằng: “bọn nguỵ quân cứng đầu này không thể cải tạo được. Bọn tù binh Pháp, tù binh Mỹ còn biệt sợ chứ bọn lính nguỵ này không biết sợ là gì.” Chính vì cái bản chất hiên ngang, không chịu khuất phục mà người chiến binh sa cơ đã bị lũ cai tù vô nhân tính cộng sản trả thù một cách rất dã man và đê tiện. Đã có biết bao nhiêu anh em đã chết dưới đòn thù của cộng sản và trước khi chết anh em vẫn giữ được hào khí anh hùng của người chiến binh QLVNCH.

Ở trên, tôi đã trình bày một cách minh bạch và sòng phẳng về “công ơn” của bà Thơ trong việc chuyển giúp nhiều ngàn hồ sơ xin xuất cảnh cho một số anh em cựu tù chính trị; cũng như tôi đã chứng mình rằng cái Dự Luật H.O. chỉ là sản phẩm do ông Bích và bà Thơ vẽ ra; và tôi cũng chứng mình bằng những văn bản và các sự kiện cụ thể rằng việc vận động để người tù chính trị ra khỏi nhà tù và đi định cư tại Mỹ là do chính phủ Mỹ chủ động từ đầu đến cưối để trả một món nợ quốc gia (this nation’s debt) đối với đồng minh trong cuộc chiến (to its Indochina wartime allies.) Bà Khúc Minh Thơ không có công đầu trong vụ này, tức là không phải vì có bà Thơ hô hoán: “Có người rơi xuống giếng,” nên người Mỹ mới đem thang, đem dây tới cứu như ông Huy Phương đã so sánh một cách ngớ ngẩn và gọi những người tù chính trị là kẻ vô ơn một cách hàm hồ. Người Mỹ đã tìm cách trả món nợ quốc gia của họ (a nation’s debt” chậm nhất là từ năm 1982, nghĩa là từ rất lâu trước khi bà Thơ hô hoán: “Có người rơi xuống giếng.” bằng cái dự luật H.O. tưởng tượng ngày 1/5/1987. Bà Thơ đã đến sau, chạy chung quanh cái giếng để hô hoán và cổ võ trong khi người ta đã bắt tay vào việc và đang cứu.nạn. Dù sao thì cũng phải cám ơn bà Thơ vì những lời hô hoán này.

Bà Khúc Minh Thơ hiện là Sáng Lập Viên và Thành Viên Hội Đồng Tư Vấn của “Hội Bảo Tồn Lịch Sử & Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt” mà chủ tịch là bà Nancy Bùi, người đang có cơ sở làm ăn với cộng sản tại Việt Nam và phó chủ tịch là luật sư Trần Mộng Vinh, ông này đã ca tụng bọn lính cộng sản, quân đánh thuê cho Đệ Tam Quốc Tế, là ái quốc và có những lời lẽ súc phạm người lính VNCH. Với chức vụ quan trọng của môt tổ chức gồm những người hai mang như trên và thường đi về Việt Nam và đã được cộng sản cho mua nhà tại Vũng Tàu, chúng tôi có quyền nghi ngờ lập trường chính trị của bà Khúc Minh Thơ.

Tôi đã đọc được trên diễn đàn Internet một câu nói được coi là của bà Khúc Minh Thơ, xin ghi lại nguyên văn như sau: “Tôi đem các anh qua đây, mà các anh quậy phá quá, biểu tình tranh đấu tùm lum.” Đây là câu nói xúc phạm đến danh dự người tù chính trị và người lính Việt Nam Cộng Hoà mà cộng sản rất thích nghe. Nếu đúng là bà Thơ đã nói câu này, bà phải có một lời xin lỗi anh em cựu tù chính trị và người lính VNCH nếu bà còn mang danh nghĩa người Việt quốc gia chống cộng.

Chúng tôi phải cân nhắc cẩn thận những lời cám ơn dù là lời cám ơn đầu lưỡi như ông Huy Phương nói, bởi vì đây là vấn đề Danh Dự và Tự Trọng. Không thể vì không nhịn nổi một cơn thèm khát nhỏ – dù là ở hoàn cảnh đói khát trong nhà tù cộng sản - để đưa tay ra nhận một cái kẹo to bằng đầu ngón tay út để rồi phải mang ơn suốt đời như ông Huy Phương, và coi “người ơn” đã cho mình cái kẹo là “bà Tiên nhiệm mầu chan chứa lòng bác ái.” Dù bật cứ trong hoàn cảnh nào, người lính có danh dự và tự trọng không làm chuyện đó.

Sự kiện tù chính trị Việt Nam là một sự kiện mang dấu ấn lịch sử, phải được trình bày một cách nghiêm chỉnh và trung thực. Mọi chuyện, kể cả ơn nghĩa, phải minh bạch và sòng phẳng. Đánh tráo một sự kiện lịch sử là có tội đối với lịch sử. Những người lính VNCH đã hy sinh, đã chiến đấu và cầm súng chiến đấu đến phút cuối cùng trong ngày 30-4-1975 và sa cơ rơi vào tay địch trong trận cuồng phong của lịch sử là những anh hùng đã bảo vệ quê hương thân yêu Miền Nam suốt 20 năm. Không ai lấy thành bại để luận anh hùng. Lịch sử sẽ ghi nhận những hy sinh xương máu của họ và không ai đươc phép lợi dụng danh nghĩa anh hùng của họ cho những ý đồ bất chính.

Đỗ Ngọc Uyển
Morgan Hill, California
Ngày 9 tháng 11 năm 2008