Tuesday, October 7, 2008

Cuộc Hội Ngộ của “Những Người Tử Tế”


Cuộc Hội Ngộ của “Những Người Tử Tế”

Nam Lộc

Tôi mượn câu nói của nhà thơ Hà Thượng Nhân diễn tả thành phần cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam (TNCTVN) mà ông gọi họ là “Những Người Tử Tế”. Ông viết “...anh em HO trước khi bị Cộng Sản bắt đi tù, đều là những ‘người tử tế’. Và sau bao năm tháng bị ‘cải tạo’, họ vẫn là ‘người tử tế’. Cộng Sản đã không thuyết phục hay thay đổi được ý thức và con người của họ để trở thành những kẻ xấu như chúng”.

Cuộc hội ngộ thật cảm động và chan hoà nước mắt của những “người tử tế” có tên là “Ngày Hội Ngộ Tù Nhân Chính Trị Việt Nam” đã diễn ra trong suốt ba ngày, mùng 3,4 và 5 tháng 10, 2008 tại thành phố Dallas, Texas ở Hoa Kỳ do Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam (GĐTNCTVN), với sự góp sức của hàng chục hội đoàn cũng nhiều thiện nguyện viên ở địa phương cũng như trên toàn nước Mỹ.

Vừa trở lại Hoa Kỳ sau chuyến lưu diễn Úc Châu, và mặc dù đang bị cảm nặng, nhưng tôi tự nhủ lòng là sẽ phải có mặt tại Dallas bằng bất cứ giá nào. Vì đây là cơ hội đầu tiên và có thể là duy nhất mà tôi có dịp gặp gỡ trong cùng một lúc hàng ngàn cựu TNCTVN đến từ khắp nơi trên thế giới, mà đa số là các sĩ quan ưu tú của QLVNCH. Những người đã hy sinh cả quãng đời trai trẻ để cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, tổ quốc và tự do, dân chủ. Cho đến khi CS Hà Nội xua quân cưỡng chiến miền Nam thì họ phải chịu cảnh lao tù, sống nhục nhằn, cơ cực trong các trại tù “cải tạo” ở những nơi rừng thiêng, nước độc!

Tôi mang ơn họ và mong có dịp đền đáp món nợ ân tình này, dù chẳng ai đòi! Khi đứng ra tổ chức các buổi đại nhạc hội xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ hoặc gây quỹ cứu trợ Thương Phế Binhỉ VNCH v..v.., tất cả đều không ngoài những mục đích nói trên mà tôi hằng ấp ủ trong lòng. Nhưng không phải chỉ có mình tôi suy nghĩ như vậy, mà cả hàng trăm thiện nguyện viên cũng mang tâm trạng giống như tôi. Họ là những cá nhân rất hăng hái trong các sinh hoạt cộng đồng hay thuộc những hội đoàn tại điạ phương như Hội HO Dallas/Fort Worth, Hội Quảng Đà, Hội Cao Niên, Hội Cựu Sinh Viên Chiến Tranh Chính Trị, các Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long và Lê Văn Duyệt (SJ), Gia Đình Mỹ Việt, Hội VoViNam, cũng như Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí v..v... Chính vì thế mà ngay từ sáng Thứ Năm, họ đã tấp nập túc trực ở cả hai phi trường Dallas/Fort Worth để ân cần tiếp đón những cựu TNCT từ phương xa về họp mặt. Người thì ở các khách sạn tươm tất, kẻ thì trú ngụ tại nhà bạn hữu để hàn huyên tâm sự chuẩn bị cho buổi họp mặt ngoài trời được diễn ra từ 10 giờ sáng Thứ Sáu mùng 3 tháng 10 trong một công viên xinh đẹp nằm bên Hồ Đá Trắng (White Rock Lake). Hàng ngàn TNCT đã đến với nhau theo đúng nghiã của chủ đề “Trở Về”, và càng ý nghiã hơn vì buổi họp mặt này lại do một hội đoàn dân sự đứng ra tổ chức, đó là Hội Quảng Đà với tinh thần “Quần Chúng Nghĩ Gì Về Người Tù Nhân Chính Trị VN”.

Sự tiếp đãi chu đáo và nồng nhiệt của các hội viên Hội Quảng Đà qua những món ăn đặc biệt cùng với một chương trình sinh hoạt phong phú đã làm ấm lòng khách phương xa. Nhưng có lẽ phần “tìm bạn tù xưa”, là tiết mục cảm động nhất trong ngày. Những tiếng hò reo, la ó mừng vui, kể cả tiếng “chửi thề” khi nhận được nhau, trộn lẫn với nghẹn ngào và nước mắt khi nghe tin những “thằng bạn” đã nằm xuống, dù trong trại tù năm xưa hay nơi đất khách, quê người. Ôi cao quý thay tình chiến hữu, tôi có cảm tưởng họ đang sống lại những ngày vui năm cũ và chờ mong buổi hội ngộ này đã từ lâu! Dù thời gian có làm bạc đi mái đầu xanh thời trai trẻ, nhưng tình bạn của những người tù vẫn không thay đổi và họ vẫn là những “người tử tế”. Tử tế từ cuộc sống, tư cách đạo đức cho đến gia đình và hướng dẫn con cái trở nên người hữu dụng trong xã hội. Hãy cứ “nghe lén” những cuộc hàn huyên tâm sự của họ thì bạn sẽ thấy rõ điều này.

Một điểm đáng chú ý nữa là sự hiện diện đông đảo của đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông và truyền hình Việt Mỹ tại địa phương cũng như trên toàn nước Mỹ và ở một số quốc gia khác.

Khi hoàng hôn vừa buông xuống thì một sinh hoạt khác gọi là “Đêm Tâm Giao” được diễn ra tại hội trường giáo xứ Thánh Phêrô nằm trên đường Garland do Gia Đình Mỹ Việt phụ trách. Đây là một tổ chức của các em Con Lai Mỹ Việt (Amerasian) được thành lập từ gần 2 năm qua, quy tụ hàng ngàn hội viên và có các ban đại diện ở nhiều tiểu bang trên toàn quốc HK. Sự cộng tác của các em không ngoài mục đích là để cùng chia sẻ những đắng cay mà các vị cựụ TNCTVN đã phải trải qua dưới chế độ CS, so ra cũng không khác gì thân phận của những người Con Lai mà CSVN vẫn thường dùng chữ “Mỹ, Ngụy” để gọi chung cho cả hai thành phần nói trên.

Đêm Tâm Giao với một chương trình nhạc tù ca thật phong phú và ý nghĩa, có sự tham dự và đóng góp của Ban Tù Ca Xuân Điềm, nhạc sĩ Phan Văn Hưng đến từ Úc Châu, nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh và Việt Dzũng của nhóm Hưng Ca cùng ban văn nghệ Quảng Đà và những tiếng hát của chính quý vị TNCT, kéo dài cho đến nửa đêm.

Sáng Thứ Bẩy mùng 4 tháng 10 thì cả ba sinh hoạt: Triển lãm, hội thảo và nghi lễ đều được diễn ra tại cùng một địa điểm, đó là Special Events Center nằm chễm chệ ở một khu vực rộng lớn trên đại lộ Naaman Forest. Đây là một trong số những trung tâm sinh hoạt rộng rãi, trang trọng và lịch sự nhất tại Dallas/Ft Worth. Ngay từ 8 giờ sáng, hàng ngàn chiếc xe đã nối đuôi nhau để vào bãi đậu. Khách phương xa thì lần lượt được shuttle của khách sạn hoặc xe riêng của các thiện nguyện viên đưa đến địa điểm sinh hoạt. Tôi nghe có tiếng thì thầm của một số TNCT “... có thế chứ, gọi là Ngày Hội Ngộ TNCT thì phải trang trọng và lịch sự như vậy mới xứng đáng với ý nghĩa của nó chứ...”. Tôi đồng ý với nhận xét này, nhưng chợt lại đâm ra lo, bởi vì tôi sẽ là một trong số 2 MC điều khiển chương trình ngày hôm nay, và nếu không nhờ các chi tiết đã được tiến sĩ Walter Hoan Nguyễn soạn sẵn thì khó có thể diễn ra một cách suôn sẻ cho buổi lễ.

Chủ đề “Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời” xem ra thật vô cùng thích hợp. Khởi đi bằng phần chào quốc và quân kỳ do các cưụ quân nhân đại điện mọi binh chủng cùng sự cộng tác của nhiều hội đoàn hướng đạo, cảnh sát, tuyên uý và quân đội Mỹ ở địa phương. Theo sau là lễ truy điệu các chiến sĩ VN, HK và đồng minh cùng những người đã bỏ mình vì lý tưởng tự do. Phần đồng tế vong hồn tử sĩ cùng những người đã bỏ xác trong ngục tù CS do quý vị cao niên thực hiện nghe thật thê lương và não ruột. Không khí bao trùm bởi những tiếng nức nở sụt sùi!

Khoảng 1500 người đã có mặt trong hội trường, kể cả các quan khách Việt Mỹ cùng đại diện chính quyền, ông thị trưởng thành phố, quý vị dân cử, đặc biệt là đại diện của những quốc gia đồng minh đã gởi quân tham chiến ở VN. Bà Khúc Minh Thơ đại diện BTC đọc lời chào mừng và tri ân đến những người đã tiếp tay với Hội GĐTNCT và có công vận động cũng như tranh đấu cho tiến trình định cư các cựu TNCT/VNCH, mà đặc biệt nhất là ông Robert Funseth, phụ tá thứ trưởng ngoại giao HK thời bấy giờ. Ông Funseth vì lý do tuổi tác nên không thể có mặt tại Dallas, tuy nhiên qua video, ông đã gởi một thông điệp thăm hỏi thật chân tình đến toàn thể cựụ TNCTVN, đồng thời nhắc lại những nỗ lực và đóng góp tích cực mà bà Khúc Minh Thơ cùng hội GĐTNCTVN đã chung sức với ông để mang đến sự thành công cho chương trình HO.

Phần phát biểu cùng bầy tỏ lòng tri ân của Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh có thể được xem là những cảm nghĩ tiêu biểu đại diện cho thế hệ trẻ đối với tập thể QLVNCH nói chung và các vị TNCT nói riêng. Sự hiện diện của KHG Dương Nguyệt Ánh đã được các gia đình TNCT đón nhận một cách nồng nhiệt và thân thiết.

Nữ tài tử Kiều Chinh, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, dân biểu Hubert Võ, cùng đại diện các nước đồng minh, các viên chức chính quyền và quý vị dân cử địa phương cũng lần lượt lên phát biểu ngỏ lời tạ ơn rất chân tình và tha thiết. Tuy nhiên tiết mục giới thiệu “những người tù lâu năm nhất” cùng với phần trao Cờ Vàng cho các quả phụ tử sĩ, kể cả phu nhân các vị tướng đã chết trong tù do nhà văn Huy Phương đảm trách đã làm cả hội trường rơi lệ. Tôi cũng không cầm được nước mắt khi hai phu nhân của cố chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và Lê Trung Trực đã nắm chặt tay tôi để cám ơn về nỗ lực can thiệp cho các con của quý bà được đoàn tụ với Mẹ ở HK. Tôi khóc không phải vì ơn nghĩa mà những “người tử tế” dành cho mình, mà khóc vì đã góp phần đem lại chút hạnh phúc nhỏ nhoi cho những người quả phụ, cả một đời hy sinh cho chồng, cho con và cho quê hương, dân tộc.

Trong quá khứ tôi cũng đã từng nhận được rất nhiều lời cảm ơn tương tự như trên, nhưng không biết mình có xứng đáng hay không, bởi vì thật ra đa số các trường hợp can thiệp được thành công đều phải có sự tiếp tay của chị Khúc Minh Thơ. Thậm chí trong gói hành lý của chuyến đi này, tôi còn mang theo cả một chồng hồ sơ cuả những sĩ quan đã trở về trên chiếc tầu VN Thương Tín để nhờ chị Thơ tiếp tục can thiệp với Bộ Ngoại Giao HK cho các trường hợp cùng hoàn cảnh trớ trêu của họ.

Phần cuối chương trình, cựu dân biểu TNCT Nguyễn Lý Tưởng đã phát biểu cảm tưởng của chính ông cùng thân hữu về công lao của những người vận động lập pháp cho đạo luật HO được thành hình kể cả tu chính án McCain, khiến cho hàng chục ngàn những người con của TNCT đã được đoàn tụ với cha mẹ và xây dựng cuộc đời bên trời tự do. Sau đó ông giới thiệu ban chấp hành lâm thời của Gia Đình Mỹ Việt cùng các con em TNCT và họ đã tặng hoa cho vị đại diện của TNS John McCain có mặt trong buổi lễ thật trang trọng, cảm động và đầy ý nghĩa nói trên.

Khi phần nghi lễ chấm dứt, mọi người đã kéo đến khu vực triển lãm để xem các tài liệu lịch sử cùng những kỷ niệm và hình ảnh của những người tù. Đây là nỗ lực rất to lớn của Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân & Việt Nam Cộng Hòa do cựu đại tá Vũ Văn Lộc và cơ quan IRCC tại San Jose đảm trách với sự hy sinh to lớn về cả hai phương diện tài chánh cũng như nhân lực trong mục đích tiếp tay cho hội GĐTNCT thực hiện “Ngày Hội Ngộ Tù Nhân Chính Trị Việt Nam” được thêm hoàn hảo và phong phú.

Nhiếp ảnh gia quân đội lừng danh Nguyễn Ngọc Hạnh, dù tuổi đã cao, nhưng vẫn còn đầy khát vọng, quyết tâm đem các tác phẩm tuyệt vời của ông chia sẻ với các “bạn tù” và công chúng để nói lên những hình ảnh bi hùng của QLVNCH.

Đêm xuống với làn gió mát cuả những ngày đầu Thu ở Dallas. Tôi đến hội trường sớm để cùng với Việt Dzũng chuẩn bị cho buổi trình diễn văn nghệ có một không hai với chủ đề “Ba Hình Ảnh, Một Cuộc Đời” với sự tham dự và đóng góp của những ca sĩ là con của quý vị cựu TNCT. Tất cả đều là những giọng hát đã thành danh và là những tên tuổi hàng đầu của nền âm nhạc VN tại hải ngoại như, Thế Sơn, Băng Tâm, Trần Thái Hoà, Diễm Liên, Như Quỳnh, Nguyên Khang, Hồ Hoàng Yến, Thành Lễ v..v.., bên cạnh những giọng hát trẻ trung Ánh Minh, Đoàn Phi, cùng sự đóng góp cuả các nghệ sĩ thuộc nhóm Gia Đình Mỹ Việt là Randy và Vân Anh cùng nhà vẽ kiểu thời trang Kathy Đặng.

Gần 4000 ngàn người ngồi kín hội trường để nghe tâm sự về hình ảnh và cuộc đời của những người lính chiến oai hùng, rồi trở thành tù nhân chính trị sau cuộc đổi đời tháng Tư, 1975 và bây giờ mang thân phận lưu vong nơi đất khách. Họ cũng có dịp để biết rằng trong khi đang sống trong tù thì ở hải ngoại hầu như ai cũng nhớ đến họ, cũng xót xa và đớn đau không kém, như lời nhạc sĩ Phan Văn Hưng đã hát trong đêm hôm đó:

Ai trở về xứ Việt, nhắn giùm ta người ấy ở trong tù.
Nghe đâu đây vang giọng hờn rên xiết.
Dài lắm không, đằng đẵng mấy muà Thu...

Các bạn ta ơi, bao giờ được thả?
Biết bao giờ ăn được bát cơm tươi,
Được lắng nghe tiếng chim cười,
Biết bao giờ, biết bao giờ, biết bao giờ?

Hoặc như lời trăn trở mà tôi đã viết thay cho các đồng bào ở hải ngoại thời bấy giờ:

Chiều nay có một người di tản buồn.
Gọi anh em, còn ai hay mất ai?
Còn bao nhiều thằng xông pha chiến khu,
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù?

Hay cay đắng hơn nữa với Việt Dzũng qua bài “Một Chút Quà Cho Quê Hương”! Ai bảo rằng kẻ ra đi mà không nhớ người ở lại, và lại càng không nên nói, người đi trước đã không tranh đấu hay vận động cho “các bạn ta ơi, bao giờ được thả”? Xin đừng làm chua xót lòng nhau.

Chương trình càng về khuya càng tăng niềm xúc động, nếu Diễm Liên làm chất ngất người nghe với “Người Tình Không Chân Dung” thì Băng Tâm làm tuôn thêm dòng lệ của người tù qua bài “Cái Cò”, diễn tả thân phận cùng sự hy sinh của người Vợ tù, rồi Thế Sơn trong bộ chiến y đã gợi lại trang sử hào hùng với “Người Ở Lại Charlie” và “Anh Không Chết Đâu Anh”!

Đêm đã gần tàn, tâm sự tưởng như đã trút hết cho nhau nhưng bỗng chợt Như Quỳnh lại thay người hải ngoại gởi tâm tình về quê hương trao cho những bà Mẹ già, đang là người dân oan khiếu kiện vì bị lũ con phản phúc, quên đi công lao nuôi nấng nhọc nhằn của Mẹ. Âm thanh của tiếng rên xiết hoà với hình ảnh bà Mẹ già run rẩy đưa tấm bảng đòi lại căn nhà và mảnh đất năm xưa, cộng với giọng hát thiết tha của Như Quỳnh trong nhạc phẩm “Khóc Mẹ Dân Oan” đã tạo niềm cảm xúc tột độ cho tất cả mọi người hiện diện. Trong bầu không khí thật im lặng và lúc mọi người đang chú ý lắng nghe, bỗng có một phụ nữ chạy thẳng lên sân khấu ôm chặt lấy Như Quỳnh và nói “em làm cô cảm động quá, cô đâu ngờ người Việt ở hải ngoại lại có thể chia sẻ tâm tình một cách sâu đậm và tha thiết như vậy đối với những người dân oan ở trong nước hiện nay. Cô chỉ vừa đặt chân đến HK được hơn một tháng, và đây là lần đầu tiên được nghe bài hát này...”

Mọi người ai cũng ngỡ ngàng với cử chỉ bất ngờ của người khách lạ, nhưng sau đó mới biết bà chính là luật sư Bùi Kim Thành, người nữ tù nhân chính trị nổi tiếng vì tranh đấu cho công bình, nhân ái và đòi hỏi quyền lợi của tập thể dân oan ở quê nhà nên đã bị CSVN giam giữ trong nhiều tháng qua. Nhờ sự vận động tích cực của cộng đồng người Việt hải ngoại cùng áp lực quốc tế nên bà đã được trả tự do và bị tống xuất ra khỏi VN, hiện đang sống tỵ nạn tại tiểu bang Texas. Hình ảnh trên cũng đã chấm dứt buổi nhạc hội mang nhiều ý nghiã của “Ngày Hội Ngộ Tù Nhân Chính Trị Việt Nam”. Mọi người chia tay nhau trong những cảm xúc lưu luyến ngậm ngùi và buồn vui lẫn lộn, tôi thấy có nhiều người miệng thì cười rất tươi nhưng tay vẫn đưa lên để gạt dòng lệ chẩy.

Ngày mai Chủ Nhật mùng 5 tháng 10 trước giờ chia tay các cựu TNCT tùy theo tôn giáo, sẽ còn gặp mặt nhau trong các buổi Thánh lễ cầu nguyện tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hoặc cầu siêu tại Chùa Đạo Quang, tất cả đều hướng về những người TNCTVN đã vĩnh viễn ra đi. Riêng tôi phải bay sớm để kịp giờ đến thành phố Seattle hầu tiếp tay với Hội Cứu Trợ TPB VNCH tiểu bang Washington trong một buổi gây quỹ cứu trợ TPB. Ngồi trên phi cơ, tôi thầm cầu nguyện cho toàn thể quý vị cựu TNCTVN, cùng chị Khúc Minh Thơ, ban tổ chức và các thiện nguyện viên được dồi dào sức khoẻ để tiếp tục phục vụ tha nhân và tiếp tục làm những điều tử tế như họ đã và đang thực hiện.

Nam Lộc
Đầu Thu 2008









1 comment:

SQTB K10B/72 THSQ-QLVNCH said...

Kính thưa quý vị,

SK xin chuyển đến quý vị bài chót về Ngày Hội Ngộ CTNCT (có người gọi là Đại Hội Tù Nhân Chính Trị). Sau bài này, SK sẽ không trở lại đề tài Ngày Hội Ngộ .....nữa vì có nhiều chuyện đáng làm cần làm hơn. Tuy nhiên, SK vẫn tiếp tục theo dõi những thành phần nhục mạ QLVNCH, thành phần đón gió, đầu cơ chính trị, thành phần chống Cộng năm mươi năm mươi v.v. để gióng lên tiếng chuông báo động khi cần.

SK cũng xin lưu ý Moderator của Diễn Đàn Công Luận 1 điều: Trong quá khứ đã nhiều lần quý vị không post bài của SK liên quan đến Ngày Hội Ngộ CTNCT. Nếu quý vị chọn thái độ không đăng thì xin cho biết lý do. Xin đừng chơi trò kiểm soát quyền Tự Do Ngôn Luận của mọi người.

Trân trọng

SK

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------



Những Điều Không Tử Tế và Tử Tế Qua Buổi Hội Ngộ “Những Người Tử Tế”



Điều tử tế: Tiền dư sẽ giúp TPB theo như BTC công bố vào ngày 25/7/2008



Dù ba ngày hội ngộ CTNCT do bà Khúc Minh Thơ tổ chức đã đi qua, hệ luỵ của nó vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay qua các bài viết của các ông Nam Lộc được đặt tên là Cuộc Hội Ngộ của “Những Người Tử Tế” [chắc do THCTNCT đã ra Tuyên Bố tẩy chay nên ông Nam Lộc không muốn dùng chữ CTNCT] , Nguyễn Hữu Của, Vũ Đình Trọng v.v. đăng trên các báo online, báo giấy, trên đài truyền hình, và được sự tiếp tay phổ biến của những khuôn mặt quen thuộc thường sinh hoạt trên các diễn đàn egroups. Qua các bài viết này, người ta biết được là chương trình Ngày Hội Ngộ vào buổi tối thứ Sáu có gần 1000 “Người Tử Tế” tham dự, buổi lễ sáng ngày thứ Bảy có khoảng 2000 người tham dự, đêm đại nhạc hội có khoảng 4000 người tham dự (theo bản tin do MC Nam Lộc và Ông Nguyễn H. Của loan báo) và lúc cầu siêu ở Chùa Đạo Quang thì còn …..khoảng 100 người tham dự.



Trước hết, phải nói là SK rất vui rất mừng khi biết được con số “Những Người Tử Tế” và gia đình về thật đông đảo, ngày đầu được mô tả là 1000, sáng hôm sau lên vèo một cái 2000 và đêm Đại Nhạc Hội với khoảng 4000 người tham dự.



Nhớ lại chuyện cũ chút nghe, trong một chương trình hội luận trên đài SaigonDallas 890AM và SaigonHouston 900AM, vào ngày 25 tháng 7 năm 2008, chính ông Nam Lộc đã tuyên bố là sau khi trừ chi phí của buổi tổ chức, số tiền còn dư sẽ được giúp cho Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà. Lời tuyên bố này được ông Đặng Hiếu Sinh (người không muốn Chào Cờ trong Đại Hội Chiến Tranh Chính Trị được tổ chức tại Dallas ) tái xác nhận trong buổi họp khẩn tại Trung Tâm Sinh Hoạt CĐNVQG Dallas vào ngày 27 tháng 7 năm 2008.



Trích Biên Bản:



“Trong phần I, Ông Đặng Hiếu Sinh trình bày chi tiết tổ chức của ngày Tù Nhân Chính Trị được kéo dài từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 10 năm 2008. Ông cho biết chương trình đã được bà Khúc Minh Thơ dự trù từ lâu và Ban Điều Hợp Địa Phương không phải là thành phần chính trong Ban Tổ Chức. Ông tuyên bố rõ ràng mục tiêu chính của Ngày Tù Nhân Chính Trị là tạo cơ hội cho các tù nhân chính trị có dịp gặp nhau. Ngoài ra, nếu sau khi kế toán sổ sách mà có dư tiền thì số tiền này sẽ được gửi giúp các thương phế binh ở VN. Ông cho biết thêm Ban Tổ Chức Ngày Tù Nhân Chính Trị không có ý định gây quỹ giúp TPB và xác nhận việc tổ chức gây quỹ giúp TPB vào ngày 5 tháng 10 năm 2008 của hai cộng đồng và hội đoàn không gây trở ngại gì cho chương trình Ngày Tù Nhân Chính Trị”



Ngưng trích



SK xin làm một bài toán nhẩm:



Trong buổi Đại Nhạc Hội, MC Nam Lộc có cho biết là chi phí tổ chức tốn khoảng $90,000.00. Dựa vào con số này, SK rất là mừng vì tổng số thu có vẻ cao hơn nhiều so với tổng số chi. Chúng ta thử là một con tính:

Vé Đại Nhạc Hội = $25.00/vé è gần 4000 vé x 25.00 = gần $100,000.00 (coi như gần một trăm ngàn đô la)

Tiền đậu xe = $7.00/chiếc; tính phỏng 1000 chiếc xe thì cũng kiếm được $7000.00

1 phần ăn trưa $10.00 ; tính phỏng 1500 người ăn thì cũng kiếm được khoảng $15,000.00

Tiền quyên góp = CTNCT chắc chắn là những người tử tế thì có lẽ số tiền quyên góp ít nhất cũng khoảng $10,000.00

Nghe nói trước khi tổ chức có một cháu nào đó tặng BTC một số tiền là $10,000.00.

Như vậy, theo phỏng tính của SK thì BTC thu vào ít nhất là khoảng:

$100,000.00 + $7,000.00 + $15,000.00 + $10,000.00 + $10,000.00 = $142,000.00

Trừ số tổng chi khoảng $90,000.00 thì BTC vẫn còn dư khoảng $52,000.00 để tặng cho Thương Phế Binh VNCH. Đây là một con số khiêm nhường so với các buổi sinh hoạt khác ở Cali , nhưng là một con số vĩ đại ở địa phương Dallas - Fort Worth (SK cũng không tính số tiền bảo trợ của các cơ sở thương mại vào đây.)



SK hy vọng là sư tính toán của SK đúng và TPB VNCH sẽ nhận được tiền như lời hứa hết sức tử tế của BTC.



Điều không tử tế của ký giả Huy Phương, LS Trịnh Quốc Thiên và “Những Người Tử Tế”,… ham vui(?)



1) Bên cạnh đó, bài phỏng vấn GS Nguyễn Ngọc Bích của ký giả lão thành nổi tiếng Huy Phương, với nội dung ca ngợi bà Khúc Minh Thơ và dưới ngọn bút thần sầu, điêu luyện thì từ câu chuyện người ta chống đối buổi tổ chức là vì lũ quạ đen bu chung quanh bà Thơ trở thành câu chuyện người ta chống đối buổi tổ chức là vì bà Thơ không có công trong việc cứu giúp người CTNCT. Trắng đen, đen trắng được Ký Gỉa Huy Phương đảo lộn để nhằm đánh bóng bà Thơ.



2) Gần đây nhất là những tài liệu do LS Trịnh Quốc Thiên ở Virginia đưa ra. Rất tiếc là dù đã cố hết sức, LS Thiên cũng chỉ chứng minh được bà Thơ có công vận động giúp CTNCT khi gặp gỡ hai Thượng Nghị Sĩ Bob Dole và Ed Kennedy tối 30 tháng 4, 1987 trước khi RES 16 đưa ra Thượng Viện ngày hôm sau 1-5-1987. Trong khi việc gợi ý đàm phán cho tù Cải Tạo của Mỹ đã xảy ra từ năm 1984.

Nhưng ông Kim Âu đã vạch trần trò trí trá của LS Thiên khi ông ta bỏ qua đoạn sau đây:

It calls upon Vietnam to do what it agreed to do when negotiated and signed the Orderly Departure Agreement with United Nations High Commisioners for Refugees in 1979 – to process and give exit visas to family reunification cases.
tạm dịch : Dự luật này kêu gọi Việt Nam thực hiện những gì họ đã đồng ý khi thương thảo và ký bản thoả ước về Ra Ði Có Trật Tự với Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ Nạn vào năm 1979- thực hiện cấp vísas xuất cảnh cho những trường hợp đòan tụ gia đình. (sic)

Tuy nhiên, qua một số bài báo, cuộc phỏng vấn, thư từ v.v. người ta lại biết thêm là ngoài bà Thơ còn có nhiều người khác nữa đã bỏ công sức tiền của vận động cho các CTNCT. Với họ thì đó là bổn phận phải làm đối với đồng đội và họ không cần phải được vinh danh (hết nơi này đến nơi khác, hết mâm này đến mâm khác) và càng không dám nhận là ...Ông Nội, ông Ngoại, Cha đẻ,, Chú, Bác, Cô, Dì, Cậu, Mợ v.v. của H.O.



3) Nếu SK vui mừng trước sự thành công vĩ đại của Đêm Tâm Giao có gần1000 “Những Người Tử Tế” tham dự, với gần 2000 người tham dự chương trình “Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời” (không biết Người nào đây) và chương trình Đại Nhạc Hội với gần 4000 “Những Người Tử Tế” và gia đình tham dự, thì SK cảm thấy buồn khi biết được chỉ có lèo tèo khoảng 100 người tham dự Lễ Cầu Siêu ở Chùa Đạo Quang. Buồn vì khi có những việc đầy nhân ái, đầy tình người và đầy tình huynh đệ chi binh thì sự góp mặt của “Những Người Tử Tế”, thật là ….ít ỏi. Than ôi, không lẽ “Những Người Tử Tế” nghe theo lời kêu gọi của bà Khúc Minh Thơ đến tham dự 3 ngày hội ngộ chỉ biết …..ham vui, văn nghệ văn gừng và quên cả lễ cầu nguyện cho đồng đội?



4) Trong một dịp tình cờ, SK nghe được một vì cao niên phán như sau: “Cộng Đồng, Hội Đoàn ở đây có làm mẹ gì đâu. Toàn là tranh danh, giành tổ chức với bà Thơ hổng được rồi tẩy chay …..” Đại ý của câu nói này cũng được một số “Những Người Tử Tế”, nói oang oang trên các đài phát thanh tại địa phương. À thì ra tại vì các Cộng Đồng, Hội Đoàn không tổ chức một chương trình họp mặt vui chơi như họ muốn thì liền bị rủa sả là ...hổng làm được mẹ gì! Xin lỗi nghen, một trong những mục tiêu chính của Cộng Đồng và Hội Đoàn khi được thành lập là để bảo vệ Lập Trường và Lý Tưởng Quốc Gia của tập thể người Việt tỵ nạn Cộng Sản. Các tổ chức này không phải được lập lên để tiếp tay với lũ quạ đen, đầu cơ chính trị, nhục mạ QLVNCH tổ chức ngày vui chơi!

SK xin hỏi một câu:

Tổ chức một buổi lễ công bố Bạch Thư Hoàng Sa - Trường Sa có ảnh hưởng lâu dài cho tiền đồ Dân Tộc và một buổi hội ngộ nghe nhạc rồi ...tan hàng, cái nào quan trọng hơn, chính nghĩa hơn?



Nếu cho là buổi hội ngộ, nghe nhạc rồi ...tan hàng là quan trọng thì SK xin ...."nghiêng mình bái phục “Những Người Tử Tế”!



5) “Những Người Tử Tế” gọi phone chửi rủa Khu Hội Dallas là gì đây? Ông Nam Lộc ca tụng quý vị toàn là những người tử tế mà quý vị chửi rủa tục tĩu thì coi sao đặng nè? Quý vị có giỏi thì viết bài phản bác từng mục do ông Kim Âu đưa ra. Ổng đang chờ quý vị đó.



Bây giờ xin đặt vấn đề với “Những Người Tử Tế” của đại hội tử tế chút nghe:



Tổng Hội CTNCT đã xác định rõ lập trường: tẩy chay tất cả những gì dính líu đến BTC gồm 3 vị (vị buôn bán với VC từ 1995, vị tổ chức vui chơi vào ngày Quốc Hận, vị thì chủ trương không làm lễ Chào Cờ trong ngày Đại Hội Chiến Tranh Chính Trị).



Quyết định của Tổng Hội là của 37 khu hội, của những người không để ai bán cái áo tù cho con buôn họat đầu, con buôn chính trị.



Quý vị quyết định rời bỏ lập trường chính nghĩa của những CTNCT để khoác lớp áo “Những người tử tế” làm nền tảng cho hoạt động của đám con buôn thân cộng, làm viên gạch lót đường cho mưu đồ của những kẻ đã phỉ nhổ cả thế hệ của quý vị đó là quyền lựa chọn của quý vị. Không ai ngăn cản quyền tự do muốn trở thành “Những ngườ i tử tế” của quý vị.



Vậy thiết tưởng quý vị cũng nên chấp nhận cho những người không đủ can đảm vứt bỏ liêm sỉ của CTNCT để trở thành “Những Người Tử Tế” như quý vị được!



Chúng tôi chỉ xin giữ nguyên vẹn cái danh xưng CTNCTVN và dành riêng bốn chữ “Những Người Tử Tế” cho quý vị đã biến thái.



Lời kết: Sự việc Ngày Hội Ngộ CTNCT đã xảy ra và đã tạo nhiều phân hoá, không chỉ riêng cho Cộng Đồng Dallas - Fort Worth và các hội đoàn địa phương mà cả những nơi khác. Âu đây cũng là một kinh nghiệm chung. Có những sự việc đã xảy ra và chúng ta không có cách thay đổi. Tuy nhiên có những việc mà chúng ta có thể ngăn ngừa nó xảy ra lần nữa trong tương lai. Chúng tôi hy vọng là sự việc này sẽ không xảy ra một lần nữa ở bất cứ nơi nào có tập thể người Việt tỵ nạn CS. Và kể từ sau bài này, SK sẽ không trở lại đề tài này vì có nhiều việc khác cần làm và đáng làm hơn.



Trân trọng



SK