Thursday, October 9, 2008

Nhung Ngay Vui Qua Mau

Những ngày vui qua mau…
Phan

Bây giờ là 6 giờ sáng thứ hai, ngày 05 tháng 10 năm 2008, ngoài trời đang mưa và nhiệt độ thành Đà thật lý tưởng ở 67 độ F, tôi ngồi xuống cái ghế quen của mình ngoài patio và ly cà phê đầu ngày với cái laptop. Nhìn những trang chữ trên màn hình về vụ Thái Hà là vấn đề mà báo giới đang theo sát để đưa tin, những ai có quan tâm đều theo sát báo chí để tính cách cho mình phải có một hành động tiếp tay đồng bào trong nước, cụm từ "khúc ruột ngàn dặm" do người khác áp đặt cho mình không đánh thức được lương tri nhưng tự nghĩ mình là "khúc ruột ngàn dặm" của đồng bào trong nước thì người Việt hải ngoại sẽ làm được việc, nhiều nơi có người Việt sinh sống trên thế giới gần như đồng loạt thắp nến nguyện cầu trong dịp cuối tuần qua, quyên góp ủng hộ cho Thái Hà trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ giữa thiện và ác trong nước. Tôi chỉ nhìn theo con mắt truyền thống của người Việt từ ngàn xưa là thiện bao giờ cũng thắng ác; công lý luôn thuộc về lẽ phải… những câu nói xưa rích nhưng đúng hoài để lập lại cho đôi bên giữa vững lập trường thì thắng bại chỉ là thời gian chứ kết cuộc có sẵn! Rời mắt khỏi màn hình để nghĩ suy về thời cuộc, tìm ra phương hướng cho bản thân hoà vào không khí đấu tranh nội ứng ngoại hợp của cả dân tộc mình trước cái ác đang giãy chết nên vô cùng xảo quyệt diễn ra trong nước mà bất kể người làm báo nào ở hải ngoại cũng tự thấy trách nhiệm góp vài con chữ của mình trong công cuộc đấu tranh chung.

Nhìn ra ngoài trời đầy gợi cảm với những giọt mưa thu se se lạnh và man mác buồn cố hữu của mưa thu nhưng không buồn nhiều bằng những ngày vui đã qua, những ngày Đại Hội Cựu Tù Nhân chính Trị ở Dallas đã qua như cuộc vui nào cũng tàn để mọi người còn ra về! Hai chữ "ra về" đối với lớp đầu xanh tuổi trẻ cũng tương đương với hai từ "gặp lại" trong một ngày gần đây nhưng hai chữ "ra về" với những cựu TNCT thì bạn có chứng kiến mới nghẹn ngào khi thấy những mái đầu đã bạc vì chiến tranh, tù đày và lưu vong… "gặp nhau đây… rồi chia tay…" không biết anh Khúc Thừa Nhân đã hát câu ấy bao nhiêu lần với chất giọng Quảng Nam Đà Nẵng của anh trong suốt những ngày qua! Riêng tôi bù khú từ tối thứ năm khi những anh em báo chí bên Cali qua để hợp sức với cánh báo chí địa phương làm nhiệm vụ. Cá nhân tôi bình tâm suy xét thì thật lòng thấy mình vô tích sự vì những giờ giấc mà anh em cần tiếp tay thì tôi lại kéo cao cổ áo lên đường kiếm cơm, không xin nghỉ được. Tới tôi có mặt thường đúng vào giờ ăn nhậu mà nhà thơ Phan Xuân Sinh làm chủ xị đã tạo ra những những bàn tiệc hoành tráng nhất trong lịch sử ăn nhậu ở thành Đà. Nhiều khi tôi nghĩ hay bởi mình có cung ăn nhậu trong lá số tủ vi nên trước sau cũng bị cao cholesteron.

Ngoài niềm vui tái ngộ, những cư dân địa phương tất bật ngược xuôi với công tác đưa đón chú bác đến từ xa. Tôi không tìm thấy sự phân biệt đối xử nào trong tình quân dân cá nước ở khung trời Dallas hiếu khách này. Nói chung là một Đại Hội thành công hơn mong muốn của Ban tổ chức là điều nhiều vị khách nói ra còn chủ nhà thì tôi báo cáo sau. Những mẩu chuyện vặt lại nói lên những điều rất lớn, xin tường thuật vô tư để thấy hết chân tình của người đón và lưu tình của người đến trong tình đồng hương nơi xứ xa. Hai anh bạn trẻ bên Báo Trẻ là Quân Sỹ và Nhật Hoàng chạy taxi thấy thương, họ đến những Hotel mà chú bác cựu tù cư ngụ, xin nhân viên Hotel số điện thoại các phòng có người Việt ở, Quân Sỹ gọi từng phòng xem chú bác đi dự Đại Hội chưa, xe đưa đón đã tới giờ lăn bánh. Không thể trách những người lớn tuổi chậm trễ vì tuổi tác, tất cả những chú bác chậm trễ đều có rất nhiều những chiến hữu, con em cựu tù ở Dallas tự nguyện xách xe nhà ra chạy taxi để đưa đón khách phương xa về đây Đại Hội. Trong suốt ba ngày thì các chú bác phương xa đi về từ nơi diễn ra Đại Hội với nơi nghỉ ngơi ở Hotel không biết bao nhiêu bận vì chú bác về Dallas để họp mặt chứ không phải về đây để ngủ Hotel, nhưng sức già phi mã lực nên đến nơi hội tụ đồng đội, đồng bào được một chập thì đã mệt, cần về Hoterl để tắm cái cho tỉnh, ngả lưng chút cho giãn bộ xương già… lại muốn trở lại chốn xôn xao để hàn huyên với đồng đội cũ, được thấy đồng hương trong tình thương mến thương những người bảo quốc an dân xưa kia. Với lượng người đổ về thành Đà lên tới con số hết phòng khách sạn thì có thể nói cộng đồng người Việt Dallas đã dốc hết sức mình để lo tròn nhiệm vụ đưa đón các chú bác từ xa đến đây. Tôi thật lòng nói lên cảm khái sau 15 năm sống ở thành Đà, chưa bao giờ tôi tự hào, sung sướng là cư dân thành Đà bằng khi nghe một người trẻ (có thể tôi biết danh tánh, có thể không) hỏi một người già mà tôi không thể nào biết là ai? "Thưa bác, bác cần đi đâu? Cháu đưa bác đi" Cứ như những anh bạn chạy xe ôm ở Xa cảng miền Đông, miền Tây bên nhà nhưng ở đây miễn phí. Cái tình làm rơi nước mắt chú bác phương xa là thằng nhỏ vừa hỏi mình muốn đi đâu? Đi chợ hay đi chơi, hay đi về Hotel nghỉ ngơi… chỉ biết nó là một con em cựu tù, con em người Việt ở thành Đà chứ cũng không biết nó là ai. Cứ như thế, tình đồng hương Việt Nam lai láng chảy trên khắp các ngã đường Dallas. Đưa đón không biết bao nhiêu vị khách danh dự của thành Đà đến dự Đại Hội trong ba ngày mà chú bác phương xa vui lòng đã là một thành công hơn mong muốn của ban tổ chức, một tự hào, niềm vui vô biên trong tâm tưởng những cư dân thành Đà đã hoàn thành nhiệm vụ tự mình giao phó cho mình vì rất nhiều những chuyến xe nhà và người tài xế tự móc tiền túi đổ xăng mà ban tổ chức cũng không biết họ là ai để hoàn trả tiền xăng. Chỉ nhìn thấy mái đầu đen thì đàn anh ở địa phương sai đàn em, chú bác sai con cháu… "chở những chú bác này về Hotel hay chở những chú bác này đến nơi hội ngộ…" Tôi nhìn ra nhỏ bạn quen thân ở thành Đà tự ẻm là má của mấy thằng con tôi cũng chạy taxi. Nhỏ chạy chở bác Ngô Nhật Thăng đến từ Phoenix, nhưng tới Hội trường thì anh Đặng Hiếu Sinh thấy mặt đặt tên: 'Em chở giùm anh một xe về Hotel… Anh em ơi! Ai về Hotel thì lên xe van này." Thế thôi, anh ĐHS là người trong ban tổ chức thì có quyền huy động nhân lực địa phương. Khi nhỏ bạn thân của tôi đổ một xe xuống khách sạn Hamtom thì gặp anh Hướng cũng là một đàn anh ở địa phương, chịu trách điều động xe và anh đóng chốt ở Hotel, anh thấy mặt đặt tên, "Nhỏ ơi! Mày chở giùm anh một xe tới Hội trường. Anh em ơi! Ai tới Hội trường thì lên xe van này." Mỗi cái xe của người Việt ở thành Đà đều vinh hạnh được chở quá khứ về với tương lai. Cứ như thế, những chuyến xe chở tình quân dân không còn tổ quốc lăn bánh trên khắp các nẻo đường Dallas thân thương trong gió sớm thu về và niềm vui vô tận của thế hệ sau được vinh hạnh phục vụ chú bác thế hệ trước một đôi ngày như trả ơn chú bác ngày xưa. Những mái đầu đã bạc vì chiến tranh, tù đày và lưu vong như trẻ lại, tạm quên đi những căn bệnh đang mang trong người vì tuổi tác vì chiến tranh không phải hoà bình đã ấm lòng với thế hệ thứ hai, những đứa bé mà ngày xưa chú bác đã từng sống chết để cho tụi nhỏ có hậu phương an bình. Nay, nước có thể mất theo bàn cờ chính trị thế giới nhưng tình quân dân Việt Nam Cộng Hoà rõ ràng bất tử là món quà lưu niệm của người Việt Dallas gởi cựu tù.

Tôi biết tường thuật làm sao cho hết những gì ghi nhận được từ những ngày qua với quá nhiều cảm xúc xen lẫn thực tế trong sổ tay người làm báo. Chỉ biết buồi ca nhạc tối thứ bảy ngày 03 tháng 10 năm 2008 đã kết thúc lúc 11giờ 26 phút là coi như Đại Hội bế mạc, hơn 5000 người trong Hội trường Special Event Center hả hê với tiếng hát con em cựu tù như Nguyên Khang, Thế Sơn, Diễm Liên… nói làm sao đây khi tai nghe âm thanh nhạc điệu quen thuộc của dòng nhạc lính từ nhỏ, hôm nay tôi nghe thêm được trong chất giọng tuyệt vời của những ca sỹ con em cựu tù này chuyên chở thêm cảm xúc hàm ơn của họ bay theo cung bậc âm thanh để chuyên chở tới "Cựu Tù" tấm lòng biết ơn và luôn mong đền đáp của con em. (May mắn cho tôi sang chiều Chủ nhật còn gặp Thế Sơn trong buổi họp tổng kết nên lẹ làng gởi lời cảm ơn người ca sỹ con em của lính.)

Sau khi ca nhạc chấm dứt, tôi về nhà hàng Việt Nam với anh em, chú bác báo chí tới 1 giờ đêm, chưa hết mấy thùng bia tôi đưa đến nên bưng sang bàn anh Nam Lộc nhờ uống phụ tới 2 giờ để sơ kết tình hình đại thắng của quân ta! Những mỏi mệt của ban tổ chức trong những ngày qua tan theo nụ cười mãn nguyện. Tôi ra về trong đêm đầu thu nghe mát tới trong lòng.

Sáng chủ nhật bận rộn với chú bác xa xôi lần lượt ra về. Những đôi mắt già nua ngấn lệ cho một lần gặp lại nhau đây rồi chia tay như anh Khúc Thừa Nhân hát suốt mấy ngày qua ! Không biết độc giả có biết anh này không? Anh tự giới thiệu là ba tui tên Khúc Thừa Dụ, nhờ có cái "khúc thừa" đó nên mới dụ được má tui để đẻ ra tui!... Anh đi bắt quàng làm họ với bà Khúc Minh Thơ làm Má Bảy lên tăng-xông! Tôi cứ thấy anh là tôi cười mà theo những đàn anh Quảng Đà thì Khúc Thừa Nhân là một cây cười Quảng Đà đã thành danh, có tiếng… (Xin giới thiệu với Trung tâm Vân Sơn).

Sau những ly bia cười sảng khoái ngoài nhà hàng, phải mở ngoặc chỗ này là những nhà hàng Việt Nam ở Garland (thuộc Dallas) mở cửa tới 2 giờ đêm chứ không đóng như thường lệ là 11 giờ mà theo nhận xét của tôi là phục vụ Cựu Tù Nhân Chính Trị ở xa về chứ bà con Dallas không có ý kinh doanh bởi tôi ghi nhận những tiếng hỏi câu chào trong tình quân dân cá nước như sống lại một thuở xa xưa vô cùng xúc động. Xin gởi lời cảm ơn đến những nhà hàng của người đồng hương. (Không nêu tên thương mại của nhà hàng vì người viết bài báo này không có ý quảng cáo cho riêng ai, chỉ ghi nhận tấm lòng người địa phương thành Đà với lính).

Trên đường về gió đầu thu đêm khuya, tôi nghĩ đến những lần chia tay đồng đội ở phố núi cao phố núi đầy sương, ở những điạ danh tên vẫn chưa quen người dân thị thành… của chú bác ngày xưa đã mằn mặn giọt nước mắt khô vì hôm trở lại thì bạn đã không về! Những người lính không may trong chiến tranh vì súng đạn vô tình có cái bình an của người đi trước; những người đi qua khói lửa mịt mùng tưởng là may mắn thì lại xui hơn trong ngục tù lao lung, trở ra tị nạn ngay trên quê hương mình trong tị hiềm chế độ. Họ bước vào một nhà tù lớn hơn là xã hội bỉ ổi bản chất. Những người lính bạc màu áo trận rồi bạc màu áo cơm để cứu vớt gia đình, bạc lòng vì thế thái tha phương tới sức cùng lực kiệt… Họ gặp nhau đây rồi chia tay nhưng lần gặp này không mong lần nữa vì tuổi tác và sức khoẻ của chú bác nhìn chung rất hom hem. Nước mắt tôi không gì nên cứ chảy theo xa lộ về đêm. Tôi hài lòng là mình rất nặng lòng với lính dù cha anh ruột của tôi không có mặt nơi đây. Tôi linh cảm được lần họp mặt này của chú bác là lần cuối cùng của đời lính, tôi không muốn viết ra những ý nghĩ hồ đồ vì chưa có thời gian kiểm chứng để viết sao cho chú bác yên lòng về thế hệ thứ hai dù còn nhiều chuyện mà đám trẻ chúng tôi quyết phanh phui sau Đại Hội.

Xin viết đôi dòng về buổi họp tổng kết vào chiều chủ nhật ngày 05 tháng 10 năm 2008. Chị Angie Hồ Quang thay mặt ban tổ chức ngỏ lời cảm ơn những bạn bè gần xa đã về hợp lực cùng ban tổ chức để làm nghĩa vụ với người lính VNCH nói chung, người cựu tù của chúng ta trên đất Mỹ, tiếng chị thâm mật trong tình thân hữu gọi mời mấy bác tài taxi vô họp mà tôi nhận diện được anh Lâm-Biệt Kích Dù, anh Trí, anh… Không Nhớ Tên nhưng biết các anh cũng là cựu tù đi đón đi đưa cựu tù mà anh Đức là người trong bóng tối, một Thủy Quân Lục Chiến xa xưa, đi tu nghiệp ở Mỹ vào tháng 03 năn 1975, tháng 04 năm 1975 được uống rượu với đồng đội tới hết biết khi nghe tin mất nước, anh Đức năm nào cũng mướn xe đi Missouri nên âm thầm đi mướn mớ xe van với giá member cho rẻ để đưa đón anh em về Dallas họp mặt. Còn rất nhiều những gương mặt đằng sau hội trường của kỳ Đại hội này mà tôi sẽ tường trình sau, cũng như rất nhiều những trang viết tiếp nối về kỳ Đại Hội này mà tôi ý thức được là nhiệm vụ của con em phải làm.

Xin ghi nhận ở đây sự đóng góp tự nguyện của chị Hoàng Oanh đến từ Hawai và thân hữu của chị ở San Jose trong Hội Cựu Nữ Sinh Lê Văn Duyệt đã đến Dallas để bỏ Hotel đi theo các chị Gia Long lo việc chung trong tình em gái hậu phương. Chị phát biểu ngắn gọn trong bữa họp tổng kết nhưng lời ít mà ý nhiều như tình anh lính chiến, "Nghe lời kêu gọi của chị Khúc Minh Thơ, HO không thể từ chối góp một bàn tay nên đến đây…" Tôi là ai trong buồi họp này cũng xúc động với chân tình của chị. Đặc biệt là những phát biểu của Cựu tù nhân phu nhơn (ai cũng nói trong nước mắt) tôi ghi nhận được những lời đi thẳng vào tim óc đời sau như sau: "… Cảm ơn bà Khúc Minh Thơ đã giúp gia đình tôi làm lại từ đầu từ không còn manh giáp, cảm ơn ban tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được gặp bà KMT hôm nay để nói lời cảm ơn mà tôi ấp ủ trong lòng đã lâu. Xin đừng nhắc gì tới những đóng góp của tôi trong Đại Hội này…" Những tiếng lòng của thế hệ trước vang lên đến đâu thì tôi nghẹn ngào đến đó… Tôi sẽ viết tiếp khi bình tâm. Xin lỗi

Phan

2 comments:

Hoi Bao Ton Truyen Thong QLVNCH said...

Kính thưa quý vị,

SK xin chuyển đến quý vị bài chót về Ngày Hội Ngộ CTNCT (có người gọi là Đại Hội Tù Nhân Chính Trị). Sau bài này, SK sẽ không trở lại đề tài Ngày Hội Ngộ .....nữa vì có nhiều chuyện đáng làm cần làm hơn. Tuy nhiên, SK vẫn tiếp tục theo dõi những thành phần nhục mạ QLVNCH, thành phần đón gió, đầu cơ chính trị, thành phần chống Cộng năm mươi năm mươi v.v. để gióng lên tiếng chuông báo động khi cần.

SK cũng xin lưu ý Moderator của Diễn Đàn Công Luận 1 điều: Trong quá khứ đã nhiều lần quý vị không post bài của SK liên quan đến Ngày Hội Ngộ CTNCT. Nếu quý vị chọn thái độ không đăng thì xin cho biết lý do. Xin đừng chơi trò kiểm soát quyền Tự Do Ngôn Luận của mọi người.

Trân trọng

SK

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------



Những Điều Không Tử Tế và Tử Tế Qua Buổi Hội Ngộ “Những Người Tử Tế”



Điều tử tế: Tiền dư sẽ giúp TPB theo như BTC công bố vào ngày 25/7/2008



Dù ba ngày hội ngộ CTNCT do bà Khúc Minh Thơ tổ chức đã đi qua, hệ luỵ của nó vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay qua các bài viết của các ông Nam Lộc được đặt tên là Cuộc Hội Ngộ của “Những Người Tử Tế” [chắc do THCTNCT đã ra Tuyên Bố tẩy chay nên ông Nam Lộc không muốn dùng chữ CTNCT] , Nguyễn Hữu Của, Vũ Đình Trọng v.v. đăng trên các báo online, báo giấy, trên đài truyền hình, và được sự tiếp tay phổ biến của những khuôn mặt quen thuộc thường sinh hoạt trên các diễn đàn egroups. Qua các bài viết này, người ta biết được là chương trình Ngày Hội Ngộ vào buổi tối thứ Sáu có gần 1000 “Người Tử Tế” tham dự, buổi lễ sáng ngày thứ Bảy có khoảng 2000 người tham dự, đêm đại nhạc hội có khoảng 4000 người tham dự (theo bản tin do MC Nam Lộc và Ông Nguyễn H. Của loan báo) và lúc cầu siêu ở Chùa Đạo Quang thì còn …..khoảng 100 người tham dự.



Trước hết, phải nói là SK rất vui rất mừng khi biết được con số “Những Người Tử Tế” và gia đình về thật đông đảo, ngày đầu được mô tả là 1000, sáng hôm sau lên vèo một cái 2000 và đêm Đại Nhạc Hội với khoảng 4000 người tham dự.



Nhớ lại chuyện cũ chút nghe, trong một chương trình hội luận trên đài SaigonDallas 890AM và SaigonHouston 900AM, vào ngày 25 tháng 7 năm 2008, chính ông Nam Lộc đã tuyên bố là sau khi trừ chi phí của buổi tổ chức, số tiền còn dư sẽ được giúp cho Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà. Lời tuyên bố này được ông Đặng Hiếu Sinh (người không muốn Chào Cờ trong Đại Hội Chiến Tranh Chính Trị được tổ chức tại Dallas ) tái xác nhận trong buổi họp khẩn tại Trung Tâm Sinh Hoạt CĐNVQG Dallas vào ngày 27 tháng 7 năm 2008.



Trích Biên Bản:



“Trong phần I, Ông Đặng Hiếu Sinh trình bày chi tiết tổ chức của ngày Tù Nhân Chính Trị được kéo dài từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 10 năm 2008. Ông cho biết chương trình đã được bà Khúc Minh Thơ dự trù từ lâu và Ban Điều Hợp Địa Phương không phải là thành phần chính trong Ban Tổ Chức. Ông tuyên bố rõ ràng mục tiêu chính của Ngày Tù Nhân Chính Trị là tạo cơ hội cho các tù nhân chính trị có dịp gặp nhau. Ngoài ra, nếu sau khi kế toán sổ sách mà có dư tiền thì số tiền này sẽ được gửi giúp các thương phế binh ở VN. Ông cho biết thêm Ban Tổ Chức Ngày Tù Nhân Chính Trị không có ý định gây quỹ giúp TPB và xác nhận việc tổ chức gây quỹ giúp TPB vào ngày 5 tháng 10 năm 2008 của hai cộng đồng và hội đoàn không gây trở ngại gì cho chương trình Ngày Tù Nhân Chính Trị”



Ngưng trích



SK xin làm một bài toán nhẩm:



Trong buổi Đại Nhạc Hội, MC Nam Lộc có cho biết là chi phí tổ chức tốn khoảng $90,000.00. Dựa vào con số này, SK rất là mừng vì tổng số thu có vẻ cao hơn nhiều so với tổng số chi. Chúng ta thử là một con tính:

Vé Đại Nhạc Hội = $25.00/vé è gần 4000 vé x 25.00 = gần $100,000.00 (coi như gần một trăm ngàn đô la)

Tiền đậu xe = $7.00/chiếc; tính phỏng 1000 chiếc xe thì cũng kiếm được $7000.00

1 phần ăn trưa $10.00 ; tính phỏng 1500 người ăn thì cũng kiếm được khoảng $15,000.00

Tiền quyên góp = CTNCT chắc chắn là những người tử tế thì có lẽ số tiền quyên góp ít nhất cũng khoảng $10,000.00

Nghe nói trước khi tổ chức có một cháu nào đó tặng BTC một số tiền là $10,000.00.

Như vậy, theo phỏng tính của SK thì BTC thu vào ít nhất là khoảng:

$100,000.00 + $7,000.00 + $15,000.00 + $10,000.00 + $10,000.00 = $142,000.00

Trừ số tổng chi khoảng $90,000.00 thì BTC vẫn còn dư khoảng $52,000.00 để tặng cho Thương Phế Binh VNCH. Đây là một con số khiêm nhường so với các buổi sinh hoạt khác ở Cali , nhưng là một con số vĩ đại ở địa phương Dallas - Fort Worth (SK cũng không tính số tiền bảo trợ của các cơ sở thương mại vào đây.)



SK hy vọng là sư tính toán của SK đúng và TPB VNCH sẽ nhận được tiền như lời hứa hết sức tử tế của BTC.



Điều không tử tế của ký giả Huy Phương, LS Trịnh Quốc Thiên và “Những Người Tử Tế”,… ham vui(?)



1) Bên cạnh đó, bài phỏng vấn GS Nguyễn Ngọc Bích của ký giả lão thành nổi tiếng Huy Phương, với nội dung ca ngợi bà Khúc Minh Thơ và dưới ngọn bút thần sầu, điêu luyện thì từ câu chuyện người ta chống đối buổi tổ chức là vì lũ quạ đen bu chung quanh bà Thơ trở thành câu chuyện người ta chống đối buổi tổ chức là vì bà Thơ không có công trong việc cứu giúp người CTNCT. Trắng đen, đen trắng được Ký Gỉa Huy Phương đảo lộn để nhằm đánh bóng bà Thơ.



2) Gần đây nhất là những tài liệu do LS Trịnh Quốc Thiên ở Virginia đưa ra. Rất tiếc là dù đã cố hết sức, LS Thiên cũng chỉ chứng minh được bà Thơ có công vận động giúp CTNCT khi gặp gỡ hai Thượng Nghị Sĩ Bob Dole và Ed Kennedy tối 30 tháng 4, 1987 trước khi RES 16 đưa ra Thượng Viện ngày hôm sau 1-5-1987. Trong khi việc gợi ý đàm phán cho tù Cải Tạo của Mỹ đã xảy ra từ năm 1984.

Nhưng ông Kim Âu đã vạch trần trò trí trá của LS Thiên khi ông ta bỏ qua đoạn sau đây:

It calls upon Vietnam to do what it agreed to do when negotiated and signed the Orderly Departure Agreement with United Nations High Commisioners for Refugees in 1979 – to process and give exit visas to family reunification cases.
tạm dịch : Dự luật này kêu gọi Việt Nam thực hiện những gì họ đã đồng ý khi thương thảo và ký bản thoả ước về Ra Ði Có Trật Tự với Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ Nạn vào năm 1979- thực hiện cấp vísas xuất cảnh cho những trường hợp đòan tụ gia đình. (sic)

Tuy nhiên, qua một số bài báo, cuộc phỏng vấn, thư từ v.v. người ta lại biết thêm là ngoài bà Thơ còn có nhiều người khác nữa đã bỏ công sức tiền của vận động cho các CTNCT. Với họ thì đó là bổn phận phải làm đối với đồng đội và họ không cần phải được vinh danh (hết nơi này đến nơi khác, hết mâm này đến mâm khác) và càng không dám nhận là ...Ông Nội, ông Ngoại, Cha đẻ,, Chú, Bác, Cô, Dì, Cậu, Mợ v.v. của H.O.



3) Nếu SK vui mừng trước sự thành công vĩ đại của Đêm Tâm Giao có gần1000 “Những Người Tử Tế” tham dự, với gần 2000 người tham dự chương trình “Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời” (không biết Người nào đây) và chương trình Đại Nhạc Hội với gần 4000 “Những Người Tử Tế” và gia đình tham dự, thì SK cảm thấy buồn khi biết được chỉ có lèo tèo khoảng 100 người tham dự Lễ Cầu Siêu ở Chùa Đạo Quang. Buồn vì khi có những việc đầy nhân ái, đầy tình người và đầy tình huynh đệ chi binh thì sự góp mặt của “Những Người Tử Tế”, thật là ….ít ỏi. Than ôi, không lẽ “Những Người Tử Tế” nghe theo lời kêu gọi của bà Khúc Minh Thơ đến tham dự 3 ngày hội ngộ chỉ biết …..ham vui, văn nghệ văn gừng và quên cả lễ cầu nguyện cho đồng đội?



4) Trong một dịp tình cờ, SK nghe được một vì cao niên phán như sau: “Cộng Đồng, Hội Đoàn ở đây có làm mẹ gì đâu. Toàn là tranh danh, giành tổ chức với bà Thơ hổng được rồi tẩy chay …..” Đại ý của câu nói này cũng được một số “Những Người Tử Tế”, nói oang oang trên các đài phát thanh tại địa phương. À thì ra tại vì các Cộng Đồng, Hội Đoàn không tổ chức một chương trình họp mặt vui chơi như họ muốn thì liền bị rủa sả là ...hổng làm được mẹ gì! Xin lỗi nghen, một trong những mục tiêu chính của Cộng Đồng và Hội Đoàn khi được thành lập là để bảo vệ Lập Trường và Lý Tưởng Quốc Gia của tập thể người Việt tỵ nạn Cộng Sản. Các tổ chức này không phải được lập lên để tiếp tay với lũ quạ đen, đầu cơ chính trị, nhục mạ QLVNCH tổ chức ngày vui chơi!

SK xin hỏi một câu:

Tổ chức một buổi lễ công bố Bạch Thư Hoàng Sa - Trường Sa có ảnh hưởng lâu dài cho tiền đồ Dân Tộc và một buổi hội ngộ nghe nhạc rồi ...tan hàng, cái nào quan trọng hơn, chính nghĩa hơn?



Nếu cho là buổi hội ngộ, nghe nhạc rồi ...tan hàng là quan trọng thì SK xin ...."nghiêng mình bái phục “Những Người Tử Tế”!



5) “Những Người Tử Tế” gọi phone chửi rủa Khu Hội Dallas là gì đây? Ông Nam Lộc ca tụng quý vị toàn là những người tử tế mà quý vị chửi rủa tục tĩu thì coi sao đặng nè? Quý vị có giỏi thì viết bài phản bác từng mục do ông Kim Âu đưa ra. Ổng đang chờ quý vị đó.



Bây giờ xin đặt vấn đề với “Những Người Tử Tế” của đại hội tử tế chút nghe:



Tổng Hội CTNCT đã xác định rõ lập trường: tẩy chay tất cả những gì dính líu đến BTC gồm 3 vị (vị buôn bán với VC từ 1995, vị tổ chức vui chơi vào ngày Quốc Hận, vị thì chủ trương không làm lễ Chào Cờ trong ngày Đại Hội Chiến Tranh Chính Trị).



Quyết định của Tổng Hội là của 37 khu hội, của những người không để ai bán cái áo tù cho con buôn họat đầu, con buôn chính trị.



Quý vị quyết định rời bỏ lập trường chính nghĩa của những CTNCT để khoác lớp áo “Những người tử tế” làm nền tảng cho hoạt động của đám con buôn thân cộng, làm viên gạch lót đường cho mưu đồ của những kẻ đã phỉ nhổ cả thế hệ của quý vị đó là quyền lựa chọn của quý vị. Không ai ngăn cản quyền tự do muốn trở thành “Những ngườ i tử tế” của quý vị.



Vậy thiết tưởng quý vị cũng nên chấp nhận cho những người không đủ can đảm vứt bỏ liêm sỉ của CTNCT để trở thành “Những Người Tử Tế” như quý vị được!



Chúng tôi chỉ xin giữ nguyên vẹn cái danh xưng CTNCTVN và dành riêng bốn chữ “Những Người Tử Tế” cho quý vị đã biến thái.



Lời kết: Sự việc Ngày Hội Ngộ CTNCT đã xảy ra và đã tạo nhiều phân hoá, không chỉ riêng cho Cộng Đồng Dallas - Fort Worth và các hội đoàn địa phương mà cả những nơi khác. Âu đây cũng là một kinh nghiệm chung. Có những sự việc đã xảy ra và chúng ta không có cách thay đổi. Tuy nhiên có những việc mà chúng ta có thể ngăn ngừa nó xảy ra lần nữa trong tương lai. Chúng tôi hy vọng là sự việc này sẽ không xảy ra một lần nữa ở bất cứ nơi nào có tập thể người Việt tỵ nạn CS. Và kể từ sau bài này, SK sẽ không trở lại đề tài này vì có nhiều việc khác cần làm và đáng làm hơn.



Trân trọng



SK

SQTB K10B/72 THSQ-QLVNCH said...

Texas, chuyến viễn du tình cảm

Giao chỉ-San Jose



Sóng gió trong lòng

Như quý độc giả đã biết, nhân danh Viện Bảo Tàng tại San Jose chúng tôi vừa làm một chuyến viễn du Texas.

Mỗi lần đi là học thêm được những bài học và ghi nhận biết bao tình cảm.



*****

Đại hội gia đình cựu tù chính trị tổ chức tại Dallas vào đầu tháng 10 năm 2008, nhưng Viện Bảo Tàng đã nhận lời bà Khúc Minh Thơ từ ba tháng trước. Ngày xưa chúng tôi đã có dịp lên DC hội họp nhiều lần về vấn đề đòi trả tự do cho tù chính trị từ thập niên 80 nên quen biết bà Thơ. Cậy là người nhiều tuổi nên trong khi giao tiếp, gọi nàng là cô Bảy Sa-Đéc. Trong cõi văn chương, Giao chỉ gọi là "Nàng Tô Thị không hóa đá".



Những người vợ tù chính trị không chịu đứng làm tượng đá chờ chinh phu trở về, mà lập hội đấu tranh cho chồng con được trả tự do. Cũng chẳng phải một mình Khúc Minh Thơ, mà còn nhiều chị em khác. Tuy nhiên hoạt động tích cực nhất, và ăn nói ồn ào nhất, luôn luôn là cô Bảy Sa-Đéc. Nổi danh không kém bà Năm Sa-Đéc và bánh phồng tôm Sa-Giang. Vì vậy nên cũng lãnh búa rìu dư luận nặng nề nhất. Đó là chuyện sau này. Ba tháng trước, bà đã ghé San Jose hai lần viếng Viện Bảo Tàng và vận động cho cuộc triển lãm tại Dallas.



Chúng tôi chuẩn bị chụp hình toàn bộ các di sản và tác phẩm, thực hiện các bản triển lãm hiện vật về tù chính trị. Tổng cộng 250 tác phẩm đóng trong 2 thùng lớn gửi UPS trước một tháng qua nhà anh Sơn, một người bạn cũng là "Thuyền nhân tâm khúc" của anh Phạm Phú Nam.



Khi được biết văn nghệ thiết dựng tại hội trường 6000 ghế ngồi, chúng tôi tìm cách đóng thùng tác phẩm 'Dựng cờ thành nội' để làm phông cho sân khấu. Tại San Jose, chúng ta có thể quen thuộc với bức tranh sơn dầu vẽ lại từ hình của ông Nguyễn Ngọc Hạnh chụp năm Mậu Thân. Nhưng bà con ở Dallas thì chưa bao giờ được nhìn thấy. Tác phẩm 16 feet dài, 12 Feet cao nhưng khi dựng lên giữa hội trường mà vẫn chưa đi đến đâu. Tuy nhiên, chụp hình cạnh các diễn viên thì mới thấy bức tranh khá vĩ đại. Thôi thì cũng đáng cho chi phí chuyên chở đi, về 2000 Mỹ kim trả cho UPS.



Với những hành trang như vậy, chúng tôi chuẩn bị lên đường. Trước khi đi biết bao nhiêu là E.Mail nhận được từ bốn phương tám hướng nói qua nói lại về việc tổ chức. Hai phía phản ảnh hai dư luận ủng hộ và chống đối. Nhiều điện thư nhắn gởi rằng chúng tôi không nên tham dự. Việc của người ta, chẳng nên lai vãng, chẳng phải đầu lại phải tai. Già rồi, nghỉ đi thôi. Tổ chức Đại hội gia đình tù mà Tổng Hội tù tẩy chay. Hai cộng đồng Việt Nam tại địa phương không tham dự. Các cựu quân nhân và cựu tù tại Dallas cũng phản đối. Ban tổ chức tuy nói cứng nhưng lửa đốt trong lòng.



Anh chị em văn nghệ sĩ tại Nam Cali tham dự là thành phần nòng cốt của các sân khấu trình diễn cũng bàn tán sôi nổi. Cá nhân tôi đã gởi đến các bạn những lời khích lệ nhưng rất nản lòng chiến sĩ. Tôi viết rằng, chuyến đi này không có thiên thời, địa lợi và nhân hòa; nhưng chuyện phải đi thì đi thôi.



Trời làm giông bão, đất Dallas lại không chiều khách viễn phương và lòng người cũng đầy sóng gió. Nhưng nếu vì chữ Tín, nếu vì mình vẫn thấy đúng, thì ta cũng đi thôi. Tiến thoái lưỡng nan, nhưng dù có dùng dằng, thì sau cùng ta cũng lên đường. Vé máy bay khứ hồi đã mua rồi, thì dù có vào Hạ Lào vẫn có đường về.



Tưởng rằng chuyến đi sẽ cô đơn và cay đắng, nhưng không phải. Kết quả đầy tình cảm và học được rất nhiều.

(Xem đoạn sau sẽ rõ).


Ngày thứ năm 2 tháng 10 - 2008



Chúng tôi đến phi trường Dallas vào chiều Thứ năm. Nhờ anh chị Khoa ra đón. Người bạn cùng khóa và cũng là bạn thân trong giai đoạn đầu đời quân ngũ. Khi xưa còn ở miền Đông, bạn Khoa ở Tiểu đoàn 5 Nhẩy dù. Tôi ở Quân khu 1. Đất nước lúc Cộng sản chưa nổi dậy, hết sức thanh bình.Anh em lái xe Jeep đi chơi khắp miền Tiền Giang lục tỉnh. Hơn 50 năm sau gặp lại, nhắc chuyện cũ hết sức ngậm ngùi. Ông Khoa, người Hà Nội, cùng một lứa bên trời lận đận, nay đã nghỉ hưu. Thú vui là câu cá và săn bắn. Nể tình bạn cũ, tham dự vào trò chơi triển lãm cộng đồng. Vừa công tác, vừa phàn nàn là tổ chức này của các anh rất vô tổ chức, nhưng rồi bạn Khoa cũng chu toàn bổn phận.







Buổi tối tại khu Thương xá Saigon Mall, chúng tôi được anh chị Tường giúp cho một buổi tiếp tân các anh chị em trong gia đình Tiếp vận, Bộ Tổng Tham Mưu. Cũng như anh chị Khoa, tất cả chúng tôi đều trên 70 tuổi và có các bạn gần 80. Chúng tôi gặp nhau sau bao nhiêu năm xa cách. Ở cái đất nước vĩ đại bao la này, với tuổi đời chồng chất, bất cứ lúc nào cũng có thể là lần gặp gỡ sau cùng. Đại tá Trọng, bước đi chậm rãi, giơ hai ngón tay, ý nói: "Hai năm không gặp nữa, là anh em chia tay". Mắt bạn già long lanh như có nước.



Cũng vào buổi tối thứ năm đầy tình cảm, ông Phạm Phú Nam đã cho chiếu một ấn bản DVD về lịch sử HO. Tuy là bản nháp, nhưng đây là tài liệu duy nhất có hình ảnh tù chính trị trong trại giam tại Hàm Tân được phỏng vấn bởi phóng viên Hoa Kỳ. Tài liệu này sẽ được hoàn chỉnh và phát hành nay mai.



Cô Kiều Chinh ngồi yên lặng theo dõi cuốn phim vừa tiếc rằng sao quá ngắn. Minh tinh điện ảnh mà nói như vậy làm nhà sản xuất tài tử Phạm phú Nam hết sức cảm động. Nhưng người thực sự rung động là cô Bảy Sa Giang. Bà nói rằng DVD này sẽ đem xuống tuyền đài.


Ngày thứ sáu 3 tháng 10 - 2008



Tưởng rằng từ San Jose chỉ có vài người chúng tôi tham dự, ai ngờ tại khách sạn dành cho khách phương xa, chúng tôi thấy rất nhiều người chào hỏi. Đôi khi chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt quen thuộc. Bộ óc Giao Chỉ cao niên rất lờ mờ không rõ. Hỏi lại mới biết miền Bắc California tham dự trên 60 thành viên. Cựu tù chính trị đã đành, lại còn kéo theo bà con xứ Quảng và ái hữu Lê Văn Duyệt. Không biết giá sinh hoạt địa phương, nhưng riêng chổ này giá 69 đồng một ngày với phần ăn sáng đầy đủ, quả là một điểm son của tổ chức.



Sáng sớm, đồng hương đã ồn ào gọi nhau lên xe đi Picnic do hội Quảng Đà tổ chức. Dù chẳng phải thành viên, nhưng vốn sẵn chủ ý tò mò, tìm hiểu, chúng tôi đến dự vòng ngoài và chia xẻ sự nhiệt thành của khách bốn phương. Hội trường không đủ chỗ cho cả ngàn người nên tràn ra cả bên ngoài.



Sau khi về khách sạn, buổi chiều, khách viễn phương lại ồn ào lên xe đến nhà thờ tham dự đêm hội ngộ. Một buổi văn nghệ hâm nóng tình chiến hữu, nghĩa đồng hương với các tài tử từ quận Cam bay về. Cũng lại cả ngàn người ngồi chật cả Thánh đường.



Riêng phần chúng tôi có buổi hội ngộ của anh chị em trong tình nghĩa Trại Trần Hưng Đạo, bộ Tổng Tham Mưu từ hơn 30 năm về trước.



Chúng tôi là các thuyền nhân di tản từ sau 30 tháng 4 – 1975, mặc dù không có những kỷ niệm đau thương tại quê nhà từ tù đày đến kinh tế mới. Tuy nhiên, gặp nhau cũng đủ chuyện để nói về chuyến ra đi trên biển cả tháng 4 cùng với 130 ngàn người gọi là di tản đợt đầu.



Một sự tình cờ các bạn cùng ngồi lại bên nhau đã ở trên chuyến xà lan định mệnh ngoài khơi khi đệ thất hạm đội vớt người. Những chiếc áo dân sự được chia xẻ thay cho bộ đồ nhà binh vứt xuống biển Thái bình dương. Kỷ niệm nhỏ bé nhưng cũng đủ gợi nhớ cả 1 đoạn trường đứt ruột 33 năm về trước. Trong chuyến đi này, anh Tuệ là người còn nhớ rất nhiều chi tiết đã nhắc lại gợi nhớ giây phút đầy kỷ niệm. Nhẹ nhàng tình cảm là cơ hội chúng tôi gặp lại gia đình bác Lư, chiến hữu hàng xóm cư xá Phú Thọ Saigon. Bao nhiêu năm sống bên cạnh nhà, phất phơ quần cụt ngõ sau. Nhưng Tết đến, quần áo chỉnh tề, qua cửa trước, bước vào chúc Tết. Thì chỉ một lát sau, gõ cửa cồng cộc, ông bà hàng xóm lại qua đáp lể. Ba mươi năm qua, nay mới gặp lại, bắt tay một lần, làm sao không tình cảm.

Ngày Thứ Bảy 4 tháng 10 - 2008



Từ 5 giờ sáng thứ Bảy đã thức giấc, bạn Khoa đến đón tôi ghé Mc Donald uống ly cà phê sáng. Còn nhớ ngày nào cả hai là Thiếu úy mới ra trường, dấu xe Jeep ở gốc cây. Tháo lon bỏ túi, cùng đi xem ciné Đại Nam. Đêm khuya chạy về doanh trại Thủ Đức. Có đêm cao hứng chạy xuống Mỹ Tho. Tuổi trẻ vô tư, đất nước thanh bình. Tuy mới ra trường nắm trung đội nhưng mặt trận Đông Tây Nam Bắc đều yên tĩnh. Trận Bình Xuyên tạm yên, chỉ có vài bạn ra đi. Đa số còn lại vô sự. Sau này cuộc chiến ác liệt thì anh em chúng tôi đã may mắn ở cấp bậc cao hơn, không chịu đau thương tổn thất nhiều như thế hệ trẻ mới ra trường từ Mậu Thân 68 đến mùa hè 72.



Ngày thứ bảy, 54 năm sau hai ông già, cùng với các bạn già khác chia nhau dựng lại tấm hình cho sân khấu và trưng bầy 250 tác phẩm cho khu vực triển lãm. Chúng tôi được anh chị Tuệ phụ giúp với các bạn tình nguyện từ chùa Đạo Quang gửi đến. Ngôi chùa nay, dù thì giờ eo hẹp, cũng đến viếng hai lần. Ban ngày xem cảnh chùa đang kiến thiết. Buổi tối đến với Thầy trụ trì, thắp hương cúng Phật.







Ông Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tiếp vận sư đoàn 3 Bộ binh lái xe hơn 1 giờ đón gia đình tôi từ phi trường, rồi lại bỏ cả ngày thứ bảy cho công tác triển lãm. Thân hữu của anh Nguyễn đình Tạo tại Dallas cũng nhiệt tình giúp đỡ. Và cả các bạn vô danh ghé qua cũng tiếp tay. Cũng không quên việc chia xẻ khu triển lãm với ông bạn vàng Nguyễn ngọc Hạnh hết sức hòa thuận và huynh đệ chi binh.



Khi làn sóng người tham dự tràn vào xem các hình ảnh là giây phút hết sức xúc động của các thành viên Museum cất công từ San Jose đến.







Khi chiều xuống, lời ca vang lừng trong hội trường gần 4 ngàn người, bên ngoài chúng tôi bắt đầu đóng gói toàn bộ các tác phẩm để sẽ đem gửi qua UPS, mang di sản trở về Cali cho chuyến viễn du tương lai.

Ngày Chủ nhật 5 tháng 10 - 2008



Sáng chủ nhật, từ 4 giờ sáng đã thức giấc và lên đường khoảng 5 giờ, đi xe về Houston. Phạm phú Nam vừa lái xe vừa chống lại cơn buồn ngủ. Đến hội trường đài phát thanh Saigon của anh chị Dương Phục trước giờ tổ chức. Họ hàng chúng tôi ngoài Bắc và họ hàng của nhà tôi trong Nam đều có mặt để yểm trợ cho cuộc hội thảo và họp báo qua đề tài Từ Nghĩa Trang Biên Hòa đến viện Bảo tàng VN tại San Jose. Các cháu Hà Nội và Nam Định thì giúp cho chú thím. Các cháu ở Kiên Giang và Saigon thì yểm trợ cô dượng.

Chỉ riêng gia đình hai họ cũng đã làm rộn ràng buổi họp.



Tuy nhiên làm sao không xúc động khi gặp lại các chiến hữu là cấp chỉ huy của mình từ thời còn cấp úy cho đến khi lên cấp tá.



Đại tá Nguyễn văn Nhờ vừa xong việc tang gia cho người vợ ra đi cũng đến theo tình xưa nghĩa cũ.

Đại tá Trang ghé lại nói rằng xin đừng bắt tay moa. Mình bị cúm. Chớ có lại gần kẻo lây.

Đại tá Phạm kỳ Loan dẫn theo con gái và con rể là những người hết sức lưu tâm đến việc cộng đồng.

Vẫn còn nhiều chiến hữu từ Tổng Tham Mưu đến các binh đoàn do sự giới thiệu và mời gọi của Trung tá Trương văn Túc,

chúng tôi cùng làm việc bên nhau 1 thời gian rất dài.

Gặp lại anh Nguyễn văn Nam, một thời học chỉ huy Tham mưu cao cấp bên nhau ở Đà Lạt.

Thêm một anh bạn cùng khóa nhưng bị thương và lạc nhau từ 1954 đến nay là 54 năm xa cách...



Nội dung buổi nói chuyện sẽ là một đề tài riêng đề cập sau này. Đó là tường thuật của anh Phạm Phú Nam đã về thăm nghĩa trang quân đội Biên Hòa hai lần, thực hiện bằng phim ảnh. Và phần chúng tôi nói về ý nghĩa và công trình hoàn tất Viện Bảo Tàng. Việc tiếp tân do con cháu trong gia đình đảm trách. Anh chàng MC giới thiệu diễn giả tuy đóng vai cháu rể nhưng cũng đã ngoài 60 tuổi. Cháu Tiêm lấy cháu Mỹ Quỳnh bây giờ đã là ông bà, đứng lên giới thiệu diễn giả từ San Jose đã nói rằng chức vụ quan trọng nhất của chúng tôi là chú vợ.



Tôi rất hân hạnh để nhận chức vụ quan trọng nhất của cuộc đời. Đó là ý nghĩa rất văn hóa của tình tự gia tộc Việt Nam. Sau Houston, chúng tôi lấy máy bay về San Jose và chuyến bay lẩm cẩm lại còn ghé lại phi trường Dallas hơn 1 giờ.

Ngày mai trời lại sáng



Chúng tôi đã tường thuật chuyến đi tuy là chuyện chung nhưng có vẻ riêng tư đầy tình cảm cá nhân. Thực ra chắc hoàn cảnh gia đình quý vị cũng vậy. Người Việt dù là đồng hương, đồng ngũ, chiến hữu hay thân quyến đều có mặt bốn phương trời. Chuyến đi Texas lần này cũng thế. Trước khi đi nổi sóng cộng đồng trên các vòm trời điện tử. Cùng phe ta mà mắng nhau tận tình. Bên ngoài bão tố thiên tai hoành hành làm rung động Houston.



Nhưng sau cùng cơn thịnh nộ của Trời đất cũng lắng dịu. Những sự phản đối tại địa phương cũng chùng xuống. Không có thêm các thông cáo lên án ban tổ chức. Không có biểu tình phản đối. Từ xa về xứ lạ, tôi vẫn thấy Dallas là miền đất của bình an. Không có chống đối dữ dội như Nam Bắc Cali. Phải chăng khi lòng quý vị nổi lửa là có ngay nhãn quan thiêu đốt cả thiên hạ. Gặp cây cỏ xũng nước, lửa không bốc lên thành chiến tranh. Hay ta cố làm người tử tế nên đã gặp toàn may mắn. Vì vậy nên gọi đây là chuyến viễn du tình cảm.



Còn về nội dung tổ chức xin xem bài viết đầy đủ và hiếm có của "phóng viên Nam Lộc" đăng trên các báo. Có người hỏi câu cuối cùng, vậy theo ông thì tổ chức phải chăng đã hoàn hảo và thành công rực rỡ.



Không đâu. Trong sách vở tôi học được không hề có chữ thành công rực rỡ và tổ chức toàn hảo. Ngược lại lần này đã có nhiều khuyết điểm phải ghi nhận. Vẫn thiếu các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nội bộ không ăn khớp, tài chánh thiếu hụt. Ai cũng có điều để phàn nàn, ai cũng có lý do để tìm ra những sai lầm. Nhưng tất cả mọi người đều đáp ứng, tham dự và chia xẻ để cùng vượt qua các khuyết điểm. Với tất cả những chuyện khó khăn lẩm cẩm từ trong ra ngoài, đại hội đã thành công về tình cảm, nhưng sẽ không bao giờ là sự thành công rực rỡ. Sự thành công nếu gọi là rực rỡ, dù đúng hay sai sẽ là 1 thách đố vô ích và sẽ làm đổ vỡ thêm những hàn gắn sau này.



Xin hãy gọi là ngày họp mặt thân hữu rất nhẹ nhàng và đã đạt được thêm tình sâu nghĩa nặng giữa anh chị em.

Mỗi khi trời sáng, gà gáy 3 hồi là đủ gọi bình minh. Dù thành công đến đâu mà gà gáy thêm buổi trưa, tiếng gáy chỉ thêm não nùng.

Bạn còn nhớ không, thi sĩ họ Lưu đã viết câu thơ bất hủ:



Xao xác gà trưa, gáy não nùng.

(Nắng Mới)



Vì vậy nên bạn lại gặng hỏi tôi. Chuyến đi có thành công hay không. Xin trả lời, đã tưởng rằng bể nặng, nhưng may mắn đã thành công vừa phải. Tiền thì vơi nhưng tình thì đầy. Thất bại hay thành công tùy người thẩm xét.



Con gà trống về già sẽ không gáy thêm buổi trưa.



Giao Chỉ - San Jose