Tuesday, October 7, 2008

Nguoi Viet 5.10.2008


Ngày Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam 2008 (Kỳ 3: Cầu siêu các vong linh tử sĩ)
Sunday, October 05, 2008

Hàng trăm cựu tù nhân chính trị cùng thân quyến và các Phật tử cúi đầu trước hình của bảy vị tướng quân lực VNCH.


Bài và hình: Vũ Ðình Trọng/Người Việt

Tường trình từ Dallas, Texas

DALLAS, Texas (NV). - Trong ngày cuối cùng của “Ngày Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam 2008” tổ chức tại Dallas, 5 Tháng Mười năm 2008, có hai buổi lễ cầu hồn tại nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp và lễ cầu siêu tại chùa Ðạo Quang, Dallas, cho các vong hồn tử sĩ và đồng bào tử nạn trong chiến tranh cũng như trên đường vượt thoát tìm tự do.

Chúng tôi có mặt tại chùa Ðạo Quang vào lúc 11 giờ sáng, vừa lúc chùa đãi cơm chay cho khoảng 100 cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam (TNCTVN) và gia đình cùng Phật tử đến tham dự. Ông Lê Hoàng Minh, phụ tá Hòa Thượng Trụ Trì Thích Tịch Ðức cho biết không phải chỉ hôm nay chùa mới có bữa cơm chay thết đãi Phật tử đến chùa dự lễ mà mỗi Chủ Nhật chùa đều tổ chức một bữa cơm thân mật như thế.

Trong chánh điện trang nghiêm, hình của bảy vị tướng quân lực VNCH được đưa đến bày dưới chân tượng Phật. Bà Khúc Minh Thơ, hội trưởng Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam, trưởng ban tổ chức Ngày Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam 2008 cho biết:

“Hai vị quả phụ hai vị tướng Phạm Ngọc Sang và Lê Trung Trực đã mang di ảnh chồng đến nhờ tôi mang tới chùa để hai vị tướng này cùng đồng đội, chiến hữu đã khuất cùng được nghe kinh. Khi họ còn sống, họ đã chiến đấu bên cạnh anh em thì nay gia đình mong rằng họ sẽ tiếp tục bên anh em đã khuất.”

Ngoài di ảnh hai vị tướng trên, chung tôi nhận thấy còn có di ảnh tướng Ngô Quang Trưởng, tướng Cao Văn Viên, tướng Nguyễn Chánh Thi, tướng Nguyễn Văn Điềm và đại tá Nguyễn Kim Tây. Những di ảnh này được gia đình đem tới.

Phát biểu trong buổi lễ cầu siêu, bà Khúc Minh Thơ chân thành cám ơn hòa thượng trụ trì đã cho phép và chủ trì buổi lễ cầu siêu để hương linh những người đã khuất được siêu thoát. Bà nói tiếp:

“Ðiều này chứng tỏ không ai quên họ, những người chồng, người cha của chúng con, những người đã hy sinh cho đất nước, dân tộc.”

Ông Huỳnh Văn Phú, cựu trung úy, đại đội trưởng Ðại Ðội Trinh Sát thuộc một Sư Ðoàn Bộ Binh, người mang di ảnh tướng Nguyễn Văn Ðiềm đến chùa trong lễ cầu siêu cũng có vài lời với hòa thượng trụ trì:

“Con mang di ảnh vị tướng của chúng con đến đây để được nghe kinh Phật. Trong cơ duyên nay, con kính xin hòa thượng cho phép con được để di ảnh vị tướng của chúng con tại chùa để sớm tối được nghe kinh Phật.”

Ðiều đặc biệt trong lễ cầu siêu tại chùa Ðạo Quang là Hòa Thượng Thích Tịch Ðức đã cho phép đồng bào làm lễ chào quốc kỳ VNCH ngay tại chánh điện tôn nghiêm.

Tiếng kinh Phật ngân vang dưới sự chủ trì của hòa thượng trụ trì cùng các vị chư tăng chùa Ðạo Quang như muốn mang ánh sáng vào đạo pháp của Ðức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đến vong linh tử sĩ vị quốc vong thân thoát khỏi vòng luân hồn, sinh diệt.

Trong phần phỏng vấn của nhà văn Huy Phương (đài SBTN) trước buổi lễ, bà Khúc Minh Thơ cho biết:

“Tôi đã từng nói là Khúc Minh Thơ không bao giờ bỏ cuộc từ hai mươi mấy năm trước. Ðứng dưới mái chùa ngày hôm nay, lòng tôi rất thanh thản mặc dù tôi đã nhận được nhiều sự chửi mắng thậm tệ, nhưng chúng tôi luôn lấy việc làm thay lời nói. Các anh em đã về đây, gặp nhau trong vui mừng, việc đó là âu trả lời thích đáng nhất cho những ai chống đối, đánh phá tôi, chống đối Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam trong thời gian qua.”

Nhân dịp này, vào tối Thứ Bảy, 4 Tháng Mười tại Special Events đại nhạc hội “Ba Hình Ảnh-Một Cuộc Ðời” đã được tổ chức long trọng với sự có mặt của khoảng 3,500 người,

Ngoài Fashion Show do Kathy Ðặng (Gia Ðình Việt-Mỹ) thiết kế và đạo diễn, phần ca nhạc phong phú gồm các ca khúc về lính với sự góp mặt của ca sĩ Gia Ðình Việt-Mỹ Randy, Vân Anh và một 1 số ca sĩ, con em cựu tù nhân chính trị của hai trung tâm ca nhạc Asia và Thúy Nga như: Như Quỳnh, Diễm Liên, Nguyên Khang, Thế Sơn, Trần Thái Hòa, Hồ Hoàng Yến... cũng như nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh, và ban tù ca Xuân Ðiềm. Ðặc biệt có mặt nhạc sĩ Phan Văn Hưng đến từ Úc Châu với các bài ca đấu tranh của anh với tình cảm dành cho các cựu tù nhân chính trị. Hai MC nghệ sĩ Nam Lộc và Việt Dzũng đã gởi đến khán giả hai bài hát của mình, “Món quà cho quê hương” (Việt Dzũng) và “Sài Gòn ơi vĩnh biệt” (Nam Lộc), là hai ca khúc đã nhận được những tràng vỗ tay vang dội đầy xúc động của những cựu tù nhân chính trị.

Buổi đại nhạc hội kết thúc lúc nửa đêm với những tình cảm lưu luyến. (V.Ð.T.)

Văn tế tử sĩ và tù nhân VNCH bỏ mình trong trại tập trung của cộng sản
Tuesday, September 30, 2008








Huy Phương


Trước linh vị các anh linh liệt sĩ, vị quốc vong thân

Trong khung cảnh trang nghiêm, hương trầm phảng phất

Quần tụ nơi đây các chiến hữu, cán chính quân dân

Xin kính cẩn cúi đầu tưởng niệm đến người đã khuất


1.

Nhớ ngày xưa, miền Nam thanh bình, bốn phương đất nước, thịnh trị yên vui

Nghĩ thuở trước, giặc Bắc xâm lăng, trăm họ dân tình lầm than vì giặc

Xếp bút nghiên lên đường, cung kiếm xông pha, chí lớn vẫy vùng, sao cho yên nước yên nhà

Rời học đường vào trận, chiến trường dọc ngang, thân trai thời loạn, một lòng an dân bảo quốc.

Trên chiến tuyến xông pha, vào ra đất địch, coi nhẹ tử sinh,

Trong đất địch lăn mình, quen đời trận mạc, chưa hề lui bước.

Này Trị Thiên vùng dậy, Kontum kiêu hùng,

Nọ Hoàng Sa can trường, Bình Long anh dũng

Với danh dự, vì dân xin giữ lấy miền Nam

Dù hy sinh, bảo quốc quyết ngăn ngừa giặc Bắc

Biết bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh

Ðất thấm máu anh hùng bất khuất

Kẻ bỏ xác lao tù, nêu cao chính nghĩa của người chiến sĩ đời đời

Người ngã ngoài mặt trận, tỏ rõ chí khí đời trai hàng hàng lớp lớp

2.

Ba mươi năm, miền Nam vững vàng, no ấm, tiền đồn của thế giới tự do

Bốn chục ngày, giặc Bắc xâm lăng, nghèo khó bạo tàn bỗng nhiên về gieo rắc

Mới đó, lúc quốc gia hưởng cảnh thanh bình,

Thoảng chốc, đến hồi suy vi vận nước

Kẻ thù chủ trương bần cùng nhân dân, nông thôn xác xơ, thành phố cửa đóng then gài

Cộng Sản quyết tâm giam cầm đối thủ, bộ đội truy lùng, công an bủa vây săn bắt

Tù tội vẫn hiên ngang, người lính Cộng Hòa

Gian truân chịu đọa đày, đền ơn Tổ Quốc.

Nhiều Tướng Lãnh mang dũng khí Võ Tánh, Ngô Tùng Châu lúc mất thành

Lắm Quân Binh còn nhớ gương Nguyễn Biểu, Trần Bình Trọng ngày sa tay giặc

Hỡi chí khí, những anh hùng đã nằm xuống, đem máu đào nhuộm thắm giang sơn

Ôi vinh quang, bao tử sĩ quyết xả thân, chiến công nay còn ghi sử sách.

3.

Than ôi! Hàng vạn đồng bào liều chết bỏ nước ra đi

Thảm thay! Biết bao nạn nhân phải vào tay hải tặc

Xót xa! Cha thất lạc trong rừng xanh, anh bỏ mình trong bàn tay cướp biển bạo tàn

Bi thảm! Mẹ chìm thây trên biển đen, em tan thân ôi giọt lệ cho niềm hiếp chóc

Oán thán ngất trời, đại dương nghìn cơn sóng dữ, thương ai ngọc nát châu chìm

Khổ đau ngập đất, quê hương bao ngày đày đọa, xót người cửa tan nhà mất

4.

Trại “cải tạo” được dựng lên, với chính sách bắt bớ, nợ máu trả thù

Vùng tập trung chết dần mòn, nơi chốn rừng xanh, xương tàn cốt mục.

Vạn vạn nhân dân ra nông trường, nhà nhà hóa nông thôn, chính sách bần cùng

Nghìn nghìn quân binh vào nhà tù, người người thành vô sản, chủ trương tàn độc

Ðất nước khốn khổ lầm than

Xóm làng tiêu điều tang tóc.

Ngày lên núi xuống đồi, chém tre đẵn gỗ, thân lưu đày dưới báng súng lưỡi lê

Ðêm về tập họp ngồi đồng, phê bình kiểm thảo, hầm hè nhau moi gan móc ruột.

Lúc đất Bắc giá rét căm căm, áo mỏng chăn đơn bốn lớp. không che nỗi thân gầy

Khi miền Nam nắng cháy, chỉ tiêu hoàn thành nửa năm, kéo cày như súc vật.

Một gô lá tàu bay, đôi dây khoai giải muống, không dằn qua nổi cơn đói triền miên

Nửa chén khoai khô, cọng rau xanh nước muối, chế độ nuôi tù bất nhân tàn độc

Chết vì sức tàn lực kiệt, cây đè đá đổ, rừng thẳm núi cao

Sống chỉ còn chút xương da, lết lê ốm đau, không thang không thuốc

Chính sách tập trung bất nhân, miệng lưỡi ngọt ngào, lấy luật rừng làm câu hòa giải khoan hồng

Ðường lối khoét xoáy hận thù, phương sách độc ác, dùng mũi súng tạo điều bạo tàn ác độc.

5.

Hôm nay hội ngộ, những người cựu tù chiến sĩ của quốc gia, xót kiếp lưu vong, khắp nơi tụ tập về đây.

Ngày mai ly biệt, rồi ngày tàn bóng xế tuổi già, thương đời lưu lạc, bốn cõi kẻ còn người mất.

Ðây nén nhang thơm, tưởng niệm đến chiến hữu, anh em

Này chén rượu giải oan, chiêu hồn những bạn bè vướng vất

Giờ đây, kẻ ra đi lưu lạc đất khách, không quên những người ở lại trên rừng sâu

Mai sau, người hẹn trở về nơi quê hương, còn nhớ nấm mồ người bạn tù lưu lạc

Một hồi chiêng khua chạnh hồn người lưu xứ, nghĩ tới tử sĩ anh hùng

Ba nhịp trống buồn đau lòng kẻ ly hương, cúi lạy bạn tù oan khuất

Sống đã khôn thác vẫn thiêng, anh em còn thương nổi quê hương

Sinh vi Tướng tử vi Thần, chư linh vẫn đau niềm tổ quốc

Hội ngộ nơi đây, nhớ chiến hữu đã bỏ xác ngục tù

Gặp gỡ chốn này, khóc tử sĩ nơi chiến trường ngã gục.

Xin Liệt Sĩ hiển linh, phù hộ tổ quốc, qua nỗi bi thương,

Lạy Chư Thần thiêng liêng, độ trì quê hương, sạch loài quỷ ác

Xin anh em, chân cứng đá mềm,

Vững niềm tin cùng với triệu người dân lòng bừng bừng lửa đốt

Mong chiến hữu chặt dạ bền gan,

Còn sống, còn đấu tranh cho một ngày mai tươi vui đất nước.

Giờ đây trong ngày họp mặt cuối đời

Xin cầu nguyện linh hồn anh em siêu thoát

Nén hương thơm khóc tử sĩ, bạn tù

Chén rượu nhạt tưới hồn oan khuất.

Phúc Duy Cẩn Cáo

(9-2008)



No comments: